Nói về kế hoạch sắp tới cho ngày lễ Vu Lan, chị Mai Thị H (Thị trấn Yên Ninh, Yên Khánh) cho biết: "Lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng bảy", chỉ tháng này người âm mới nhận được vật dụng mà người trần gửi xuống, vì thế nên gia đình tôi đã chuẩn bị chu đáo "đồ đạc", "áo quần" để các cụ ở dưới không bị thiếu thốn. Ngoài ra, tôi có làm ba mâm cỗ và mời thầy về lễ cầu siêu cho ông bà tổ tiên. Đây cũng là cơ hội để gia đình chúng tôi tỏ lòng thành kính, làm tròn chữ hiếu với những người đã khuất .
Cùng ý nguyện hướng về tổ tiên với tấm lòng hiếu thuận, nhưng bác Trần Tuyết N (phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình) lại quan niệm: "Không chỉ tháng 7 mà hầu hết các tháng trong năm tôi đều đi chùa cầu cho gia tiên được siêu thoát đến cõi an lạc. Qua tìm hiểu các bài viết trên báo chí và kinh phật, tôi thấy việc đốt vàng mã hoàn toàn không cần thiết, thay vào đó chúng ta nên cúng đồ chay và làm lễ phả độ gia tiên ngoài chùa."
Đại đức Thích Đức Tuệ, ủy viên Ban trị sự Phật giáo tỉnh, trụ trì chùa Mai Hoa (Yên Khánh) lý giải: Đốt vàng mã thực chất là tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ Trung Quốc. Trước đây, người Trung Quốc cổ đại có quan niệm khi nhà có người chết thì tài sản cũng sẽ được chia cho họ một phần, gọi là đồ tùy táng. Do làm thế gây ra sự tốn kém nên từ thời nhà Hán, người ta nghĩ ra cách tạo những đồ vật tương tự bằng giấy để đốt cho người chết. Từ đó, phong tục đốt vàng mã được hình thành và nhanh chóng du nhập vào Việt Nam. Hành động này đã đi trái ngược với triết lý của Đức Phật. Theo kinh Vu Lan, ý nghĩa quan trọng trong ngày rằm tháng bảy là báo hiếu công ơn của đấng sinh thành. Phật giáo luôn luôn coi trọng chữ hiếu, trong trái tim mỗi người phật tử, muốn tu hành thành đạo thì phải tu đạo hiếu đầu tiên.
Như vậy, việc đốt vàng mã trong mùa Vu Lan không mang lại ý nghĩa thiêng liêng thành kính mà ngược lại làm ảnh hưởng đến giá trị đích thực của lòng hiếu thuận. Có những gia đình chi lên hàng chục triệu đồng, mất nhiều công sức đi mua sắm "đồ đạc" để đặt lên ban thờ rồi lại mang đi đốt. Hành động này vừa gây ô nhiễm môi trường lại khiến con cháu hao tiền tốn của. Trong xã hội hiện đại, việc đốt vàng mã diễn ra tràn lan khiến cho tất cả mọi người đều rơi vào vòng xoáy khó có thể thoát ra. Nhà này đốt thì nhà kia cũng làm theo. Thậm chí, nhiều gia đình coi việc đốt vàng mã như một cách để thể hiện, phô trương sự giàu có, làm mất đi giá trị nhân văn của những ngày này.
Lý giải cho "trào lưu" đốt vàng mã diễn ra rầm rộ trong mùa Vu lan , Đại đức Thích Đức Tuệ cho rằng: Xuất phát từ sự không hiểu rõ về bản chất, từ sự mê tín dị đoan và từ chính lòng tham của con người, nhiều người cho rằng, khi mình cúng thật nhiều vàng mã thì sẽ được các cụ phù hộ cho công việc kinh doanh thuận lợi, công danh thăng tiến.
Hình ảnh dòng người hối hả xếp hàng mua vàng mã đã trở nên quen thuộc trong mỗi dịp rằm tháng bảy hàng năm. Con cháu vì thương ông bà cha mẹ nên mua nhà cửa, xe cộ, tiền vàng đem đốt, cầu nguyện cho họ được hưởng. Nhiều người vẫn biện minh cho hành động này bằng quan niệm "trần sao âm vậy" mà không biết rằng đây là hành động mê tín dị đoan cần phải loại bỏ để tiến tới đời sống tâm linh lành mạnh, văn hóa.
Thực tế từ nhiều năm nay, rất nhiều ngôi chùa trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai hoạt động cấm đốt vàng mã đối với các phật tử đến lễ. Sau mỗi buổi tụng kinh thuyết pháp, các nhà sư đều chia sẻ, giảng giải vấn đề về cách thờ cúng gia tiên sao cho đúng với tinh thần từ bi, hướng thiện, bài trừ mê tín dị đoan trong đời sống tâm linh. Thay vì dùng tiền để mua vàng mã đốt, chúng ta hãy dùng số tiền để làm nhiều việc thiện, giúp đỡ người nghèo, người kém may mắn hơn mình, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị thiêng liêng cao cả của ngày lễ Vu Lan là đề cao chữ hiếu, chữ tình trong cuộc sống hôm nay.
Vân Anh