Nhận thức được vấn đề đó, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, coi đó là chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Việt Nam là một trong những nước sớm phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012, về "Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới". Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật trẻ em. Chính phủ đã có Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em, giai đoạn 2012-2020….
Đặc biệt, hàng năm các địa phương đều tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em từ ngày 1 đến 30/6 nhằm nâng cao nhận thức, động viên các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo, nên công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chưa bao giờ tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhiều đến mức báo động nghiêm trọng như hiện nay. Các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội thông tin nhiều vụ việc xâm hại trẻ em gây phẫn nộ dư luận. Và thật đau lòng khi nghe số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố, mỗi năm, đất nước ta có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%; khoảng 68,4% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.
Đó là số vụ việc được phát hiện và giải quyết, trên thực tế, số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại có thể còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, không tố giác vì những lý do khác nhau…. (ở tỉnh ta, chỉ tính trong năm 2018, cũng đã có 10 vụ/9 trẻ em bị xâm hại). Bên cạnh đó, mỗi năm còn có hàng nghin trẻ em bị tai nạn, thương tích như đuối nước gây đau xót cho gia đình, nhà trường và xã hội.
Đối với tỉnh Ninh Bình, những năm qua công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, nhất là trong tháng hành động vì trẻ em. Ngày 14/5/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2019. Thực hiện kế hoạch trên, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hè cho trẻ em một cách thiết thực như: mở các lớp học nhạc, học võ, học bơi, phòng chống đuối nước và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các kỹ năng sống… qua đó nhằm thu hút, tập hợp trẻ em, giúp các em có được các hoạt động giải trí bổ ích, góp phần nâng cao thể chất và rèn luyện lối sống lành mạnh, tránh được các trò chơi điện tử, hoặc các tệ nạn xã hội khác.
Tuy vậy, các hoạt động cho trẻ em chưa nhiều, chưa thường xuyên. ở các thành phố, thị trấn trung tâm tổ chức các hoạt động sôi nổi hơn. ở các xã, nhất là xã miền núi, vùng sâu, xa còn ít các hoạt động cho trẻ em. Do vậy, cần phải huy động sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cả cộng đồng trong thời gian Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, nhằm thực hiện tốt chủ đề của tháng hành động năm nay là: "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số".
Để việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tốt hơn nữa, với mục tiêu là "mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh", trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để cơ quan, tổ chức và người dân thấy được tầm quan trọng và có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tổ chức nhiều các hoạt động để tập hợp, thu hút trẻ em vào các hoạt động tập thể, vào sinh hoạt hè lành mạnh, bổ ích, để phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn đối với trẻ em, góp phần làm cho trẻ em tránh xa các trò chơi điện tử, không để con em mình trở thành những "kẻ nghiện game" đem lại sự lo lắng và phiền lòng của không ít bậc làm cha, mẹ, nhất là trong kỳ nghỉ hè này.
Nguyễn Đông