Phóng viên (P.V): Là người có nhiều năm phụ trách công tác gia đình, đồng chí có điều gì muốn chia sẻ nhân Ngày gia đình Việt Nam.
Đồng chí Phạm Ngọc Văn (Đ/c P.N.V): Có một câu chúng ta vẫn thường nói: Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có khỏe mạnh, xã hội mới vững bền. ở mỗi thời kỳ, mục tiêu phát triển gia đình tuy có khác nhau, nhưng nó không thể tách khỏi mối quan hệ với dòng họ, quê hương, đất nước, lịch sử, dân tộc.
Gia đình không phải là lãnh địa riêng, bất khả xâm phạm; nó càng không chỉ là vấn đề no, đói, vui, buồn, hạnh phúc hay không của mỗi người. Một xã hội không thể coi là giàu mạnh nếu như trong lòng xã hội đó vẫn còn có cảnh thiếu ăn, thiếu nhà ở. Chính vì vậy, thời gian qua, đi liền với mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra chủ trương xây dựng mô hình gia đình ít con, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc
P.V: Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình?
Đ/c P.N.V: Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đối với công tác gia đình.
Trong các quyết định, chương trình hành động đều nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và xây dựng CNXH. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, gia đình và cá nhân là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công tác gia đình. Gia đình có trách nhiệm với các thành viên trong gia đình và xã hội.
Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Giáo dục và xây dựng gia đình luôn kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn liền với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Đầu tư cho gia đìnhlà đầu tư cho sự phát triển bền vững. Nhà nước ưu tiên, đảm bảo nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội và tranh thủ sự trợ giúp của quốc tế cho công tác gia đình... Hướng tới mục tiêu: đảm bảo sự ổn định, củng cố và xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Gia đình anh Phạm Quang Phong, phường Phúc Thành - TP Ninh Bình
P.V: Đồng chí có thể cho biết lý do để ngày Gia đình Việt Nam năm nay có chủ đề "Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực".
Đ/c P.N.V: Thành tựu hơn 20 năm đổi mới đã đem lại bước tiến xa về đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có mỗi cá nhân, gia đình. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, gia đình và công tác gia đình đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Đó là tình trạng ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình, quan hệ tình dục, nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng. Một số giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới có biểu hiện xuống cấp. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu chè đã và đang thâm nhập vào các gia đình. Bên cạnh đó là vấn đề xóa đói, giảm nghèo, việc làm cũng đặt ra bức thiết.
Riêng về bạo lực gia đình, đối tượng tổn thương chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Người phụ nữ có thể bị bạo lực về thể chất, như đánh đập, ngược đãi, hành hạ; cũng có thể bị bạo lực về tinh thần, như hành hạ tâm lý, sỉ nhục, đe dọa, bị thờ ơ, vô trách nhiệm. Hoặc bị lạm dụng tình dục, cấm đoán, hạn chế các hoạt động trong các mối quan hệ cộng đồng, xã hội.
Theo nghiên cứu của Hội LHPN Việt Nam năm 2000 cho thấy, có hơn 40% phụ nữ trong mẫu khảo sát nghiên cứu đã từng bị chồng đánh đập, chửi mắng. Còn theo báo cáo của Tòa án tối cao, từ ngày 1-1-2000 đến 31-12-2005 các tòa án địa phương đã thụ lý và giải quyết 352.047 vụ về lĩnh vực hôn nhân, gia đình, trong đó có trên 53% số vụ ly hôn do hành vi bạo lực gia đình.
Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh khá nhiều vụ việc đánh đập, ngược đãi làm tổn thương tới sức khỏe, nhân phẩm phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, ngày Gia đình Việt Nam năm nay được hướng vào chủ đề "Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực" nhằm đấu tranh với những việc làm sai trái, những hành vi bạo lực trong gia đình, thắp sáng tình yêu thương trong mỗi con người. Đây cũng là dịp để chúng ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, đưa Luật phòng, chống bạo lực gia đình vào cuộc sống.
P.V: Để công tác gia đình đạt được kết quả cao, thời gian tới công tác gia đình cần tập trung vào những vấn đề gì?
Đ/c P.N.V: Trong chương trình hành động thực hiện chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2006-2010 của tỉnh đã đề ra 3 mục tiêu cần phải đạt được, đó là: Củng cố, ổn định gia đình trên cơ sở thừa kế, phát huy giá trị truyền thống, thực hiện quy mô gia đình ít con; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, loại bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân, gia đình; nâng cao mức sống gia đình trên cơ sở phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt chú ý các gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa... ở mỗi mục tiêu chúng ta đều có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, trong đó có sự phân công các cơ quan, ban, ngành phụ trách, phối hợp thực hiện.
Công tác gia đình trong thời gian tới không phải là trách nhiệm của riêng ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch mà là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, mỗi người, mỗi gia đình.
Gia đình anh Phạm Việt Phương, gia đình văn hóa cấpThành phố
Ngày gia đình Việt Nam năm nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình; tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (có hiệu lực thi hành từ 1-7-2008); phối hợp khảo sát đánh giá thực trạng gia đình và công tác gia đình trên địa bàn, xây dựng chương trình hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổ chức gặp mặt, tuyên dương những gia đình, dòng họ tiêu biểu trong nuôi dạy con cháu hiếu thảo, thành đạt. Thực hiện tốt nếp sống văn minh cộng đồng. Tổ chức giao lưu văn hóa - văn nghệ; tổ chức tốt tháng hành động vì trẻ em...
Với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của mỗi cá nhân, gia đình, công tác gia đình trong thời gian tới sẽ đạt được những kết quả mới, cao hơn, để mỗi gia đình là một tế bào khỏe mạnh của xã hội.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Trang (Thực hiện)