P.V: Với cương vị là địa phương chủ trì, Hoa Lư đã có sự chuẩn bị như thế nào cho việc tổ chức lễ hội, nhất là về phần hội để thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và du khách?
Đ/c Lưu Thế Truyền: Năm nay, UBND tỉnh đã có công văn giao cho UBND huyện Hoa Lư chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động của lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2011 với tinh thần đảm bảo vui tươi, an toàn, lành mạnh, gọn nhẹ, tiết kiệm. Về phần lễ, các nghi lễ truyền thống vẫn được duy trì như mọi năm. Riêng về phần hội, năm nay huyện có chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao tại lễ hội, kêu gọi các địa phương, đơn vị, các đoàn thể và người dân cùng du khách tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao để tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong những ngày diễn ra lễ hội, trong đó chú trọng và đặc biệt ưu tiên những hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc, truyền thống của vùng đất Cố đô. Ngoài một số chương trình vẫn được tiếp tục duy trì từ các năm trước như: múa lân, múa rồng, thi kéo co, thi mâm ngũ quả tiến Vua, thi thư pháp, chọi gà...
Môn Vật luôn thu hút du khách xem, cổ vũ. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội đã chỉ đạo các đoàn thể của huyện cùng tham gia và biểu diễn một số nội dung như: thi biểu diễn võ tay không, múa kiếm, dao găm... Qua đó, Ban tổ chức lễ hội mong muốn góp phần khôi phục các trò chơi dân gian, giáo dục cho người dân và du khách ý thức giữ gìn những nét đẹp, truyền thống văn hóa của dân tộc... Qua các năm tổ chức lễ hội cho thấy, sau không khí nghiêm trang của các nghi lễ truyền thống, tế lễ cổ truyền thì các hoạt động của phần hội luôn là nội dung được du khách đón chờ. Do đó, Ban tổ chức lễ hội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đơn vị, đoàn thể tích cực luyện tập để tham gia lễ hội, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, phát động nhân dân các xã ven Quốc lộ 1A, đường 491, đường Tràng An vào khu lễ hội, đường du lịch Tam Cốc - Bích Động treo cờ hai bên đường... để tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhân dân và du khách.
P.V: Để luôn tạo ấn tượng đẹp với du khách thập phương về một lễ hội truyền thống, theo đồng chí, kinh nghiệm của Hoa Lư rút ra từ việc tổ chức lễ hội là gì?
Đ/c Lưu Thế Truyền: Rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi về với vùng đất Cố đô, nhất là được tham dự lễ hội truyền thống của địa phương đều có chung cảm nhận về một không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn của những ngày diễn ra lễ hội. Để có được kết quả này, năm nào cũng vậy, dù tham gia tổ chức lễ hội ở vai trò chủ trì hay phối hợp, huyện Hoa Lư cũng xác định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc đảm bảo cho các hoạt động của lễ hội diễn ra nhịp nhàng, an toàn, tạo ấn tượng đẹp với du khách. Qua nhiều năm tổ chức lễ hội, chưa có năm nào để xảy ra tình trạng đáng tiếc như trộm cắp, gây lộn, tai nạn giao thông... ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Để có được kết quả đó, theo tôi đó chính là có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức lễ hội, từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân khi tham gia lễ hội đến việc phục vụ lễ hội và triển khai hoạt động du lịch, dịch vụ tại lễ hội; sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị tham gia lễ hội trong việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, huyện hết sức quan tâm, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm tại lễ hội như: bói toán, xóc thẻ... nhằm đảm bảo nếp sống văn minh khi tổ chức lễ hội, ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan, hướng người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh. P.V: Với bề dày truyền thống của một địa phương có nhiều di tích, danh thắng, nhất là có lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước, vậy huyện đã có kế hoạch gì cho sự phát triển của hoạt động du lịch, nhất là du lịch gắn liền với các lễ hội? Đ/c Lưu Thế Truyền: Từ năm 2007, Đảng bộ huyện đã có Nghị quyết số 02 về phát triển du lịch và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tập trung vào làm tốt các mặt công tác như: giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án, tăng cường công tác quản lý các hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở khu du lịch. Hiện nay, 3 trung tâm du lịch trên địa bàn huyện là Khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An và Khu du lịch Tam Cốc- Bích Động đã thu hút được lượng khách tham quan lớn, từ 700.000 - 800.000 lượt người/năm, doanh thu từ du lịch trên địa bàn huyện trung bình mỗi năm đạt khoảng 40 tỷ đồng. Trong hoạt động du lịch, huyện Hoa Lư còn có thêm thuận lợi là có lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư là lễ hội lớn nhất trong năm không chỉ của huyện mà là của tỉnh thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Dịp diễn ra lễ hội là điều kiện thuận lợi để hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch phát triển, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở khắp các địa phương trong huyện, trong đó tập trung chủ yếu là lao động thuộc xã Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải. Bên cạnh đó, Hoa Lư còn có một số lễ hội thuộc phạm vi cấp xã nhưng được nhiều người biết đến như: lễ hội đền Thái Vi, lễ hội Chùa và động động Thiên Tôn... Mỗi lễ hội diễn ra ở một địa phương khác nhau, mang những nét văn hóa riêng biệt, độc đáo chỉ có ở riêng địa phương đó nên luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Đây là thế mạnh để Hoa Lư tiếp tục làm tốt hoạt động tuyên truyền, quảng bá để thu hút du khách đến với vùng đất Cố đô. Qua đó, mong muốn giới thiệu với du khách về vùng đất, con người, những nét văn hóa độc đáo của địa phương, đồng thời tạo việc làm cho một lực lượng lao động không nhỏ của huyện, tăng nguồn thu cho ngân sách từ hoạt động du lịch.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)