Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phát triển đa dạng các loại hình trang trại, trong đó chủ yếu là chăn nuôi, tổng hợp và thủy sản. Trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp chiếm tỷ trọng chính trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Đánh giá theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, đến hết năm 2016, số trang trại trên địa bàn tỉnh đạt các tiêu chuẩn là 320 trang trại.
Toàn tỉnh có 158 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, gồm: 6 trang trại trồng trọt, 67 trang trại chăn nuôi, 20 trang trại thủy sản và 65 trang trại tổng hợp. Trên địa bàn toàn tỉnh không có trang trại lâm nghiệp do không đủ tiêu chí về diện tích.
Năm 2016, giá trị sản lượng bình quân trên một trang trại đạt 0,938 tỷ đồng (cả nước giá trị sản lượng bình quân 1 trang trại đạt 2,78 tỷ đồng, khu vực đồng bằng sông Hồng đạt 2,741 tỷ đồng/1 trang trại).
Trong đó, các trang trại trên địa bàn huyện Yên Mô có giá trị sản lượng bình quân cao nhất, đạt 1,57 tỷ đồng; thấp nhất là thành phố Ninh Bình với 0,25 tỷ đồng. Qua số liệu trên cho thấy bình quân về giá trị của 1 trang trại trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với khu vực đồng bằng sông Hồng và so với cả nước.
Về tiêu thụ sản phẩm của các trang trại: Chủ yếu bán tự do ra thị trường thông qua bán trực tiếp tại chợ, qua thương lái, chiếm tỷ lệ 60,5%. Có 85 trang trại tiêu thụ sản phẩm bằng các hợp đồng tiêu thụ, chiếm 6,97%.
Về tình hình sử dụng đất đai của các trang trại: Tổng diện tích đất đai của các trang trại trên địa bàn là 1.834,71 ha, trong đó diện tích dành cho trồng trọt 541,56 ha, chăn nuôi 670,323 ha, thủy sản 411,29 ha, lâm nghiệp 93,42 ha, đất dành cho các mục đích khác (xây dựng cơ sở vật chất, sân, tường bao…) 17,27 ha.
Diện tích đất bình quân đạt 1,78 ha/trang trại. Trong đó, huyện Nho Quan có quy mô đất đai bình quân trên một trang trại lớn nhất đạt 2,39 ha, thấp nhất là huyện Yên Mô chỉ đạt 0,77 ha…
Về quy mô vốn của các trang trại: Tổng số vốn của các trang trại trên địa bàn tỉnh khoảng 482.410 triệu đồng, trong đó vốn tự có 386.990 triệu đồng (chiếm 80,2%), vốn vay 96.420 triệu đồng (chiếm 19,8%). Bình quân mỗi trang trại đầu tư 1.508 triệu đồng.
Về quy mô về lao động của các trang trại: Tổng số lao động trong các trang trại trên địa bàn tỉnh là 1.076 người, trong đó lao động thường xuyên đã qua đào tạo là 64 người, chưa qua đào tạo là 726 người; lao động thuê đã qua đào tạo là 13 người, chưa qua đào tạo là 276 người.
Những hạn chế, khó khăn trong phát triển kinh tế trang trại
Hiện nay, các trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển manh mún, tự phát, phân tán, công tác quy hoạch vùng trang trại tập trung chưa được chú trọng, quy mô trang trại nhỏ. Hầu hết, đất trang trại được hình thành từ các nguồn: đất 313, đất vườn, đất xấu (đất khô cằn không dùng để sản xuất), đất thùng đào, thùng đấu, đất ven sông, ven bãi..., chưa hình thành được nhiều khu, cụm trang trại tập trung theo hướng công nghiệp hóa.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay lộ trình thực hiện còn chậm. Thời gian thuê đất ngắn hạn (chủ yếu từ 1-5 năm). Đây là một trong những khó khăn rất lớn đối với các chủ trang trại trong việc đầu tư cơ sở vật chất để mở rộng quy mô.
Các trang trại thiếu vốn để đầu tư sản xuất, việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn. Theo quy định hiện hành, giấy chứng nhận trang trại có thể làm căn cứ để ngân hàng cho vay vốn, nhưng thực tế các trang trại không được vay vốn từ giấy chứng nhận kinh tế trang trại hoặc số vốn được vay lại quá ít, không đáp ứng nhu cầu để đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế trang trại (hệ thống giao thông, điện, nước…) còn nhiều hạn chế.
Sự phát triển tự phát của các trang trại làm ô nhiễm môi trường sinh thái, gây bức xúc trong nhân dân. Tình hình dịch bệnh thường xuyên diễn biến phức tạp; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất cao; chất lượng sản phẩm của trang trại chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; giá cả sản phẩm đầu ra bấp bênh, không ổn định.
Trình độ, năng lực quản lý, tiếp cận thông tin về thị trường và tổ chức sản xuất của chủ trang trại còn hạn chế (75,43% chủ trang trại chưa qua đào tạo); sử dụng lao động chưa nhiều, chất lượng lao động còn thấp; thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển
Hiện nay, kinh tế trang trại phát triển chưa tương xứng với những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp; chưa đóng góp thỏa đáng trong sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản trong thời kỳ mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Vì vậy, cần tập trung các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế trang trại; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; coi phát triển trang trại là khâu đầu, khâu đột phá để phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh đảm bảo bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến.
Mục tiêu đến năm 2020 là: Toàn tỉnh có 450 trang trại, có 5-10 trang trại đưa sản phẩm lên sàn giao dịch… Tổng giá trị sản xuất của 1 trang trại, gia trại đạt 1,5 tỷ đồng/năm; thu nhập của người lao động thường xuyên đạt 4-5 triệu đồng/tháng. Để đạt được mục tiêu trên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Giải pháp về quy hoạch
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của từng huyện, thành phố, bảo đảm vệ sinh môi trường, gắn với xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch phát triển trang trại nhằm tạo điều kiện cho tất cả các vùng trên địa bàn tỉnh phát triển đồng đều trên cơ sở hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý và liên kết giữa các vùng, tạo sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trên địa bàn.
Cụ thể: Vùng núi huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp: Hình thành vùng kinh tế trang trại chăn nuôi, tổng hợp, trồng trọt (trồng bạch đàn, keo, cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao).
Đối với vùng đồng bằng: Hình thành vùng kinh tế trang trại nông nghiệp toàn diện như: trang trại trồng trọt (thâm canh cây lúa chất lượng cao, trồng rau, hoa màu tại huyện Yên Khánh, trang trại lúa - cá ở Gia Viễn, Hoa Lư), chăn nuôi (lợn, gia cầm), nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hoặc trang trại tổng hợp kết hợp các mô hình trên.
Đối với vùng ven biển (huyện Kim Sơn): Hình thành vùng kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung, trang trại tổng hợp (chăn nuôi, thủy sản, trồng rau, hoa màu), trang trại nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các loại con có giá trị kinh tế cao như ngao, tôm, cua biển, baba, ếch, rắn...
Căn cứ vào quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt, quỹ đất dành để phát triển trang trại có thể từ: quỹ đất công ích của xã, đất dôi dư do dồn điền, đổi thửa, đất của những hộ có nhu cầu phát triển trang trại và đất của các hộ dân không có nhu cầu sản xuất hoặc có thể đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương tạo thành vùng tập trung để phát triển trang trại.
Việc hình thành các khu trang trại tập trung phải nằm trong quy hoạch sản xuất, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Đặc biệt, quy hoạch xây dựng khu chăn nuôi cần cách xa khu vực dân cư tập trung, có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.
Đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình được giao đất phát triển theo quy hoạch; triển khai cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đối với cơ sở đạt tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất cũng như vay vốn để sản xuất. Khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa..., tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, chuyển đổi từ đất khác sang trang trại chuyên canh hoặc kết hợp.
Về đầu tư phát triển giống cây, con, phát triển kết cấu hạ tầng
Ưu tiên các chương trình, dự án phát triển giống cây, con năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu với sâu bệnh, biến đổi khí hậu; đầu tư các dự án giám sát, phòng ngừa và kiểm soát sâu bệnh, dịch bệnh; tăng cường hỗ trợ đầu tư khâu bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lồng ghép trong thực hiện các chương trình như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình xóa đói, giảm nghèo...
Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như đường giao thông, hệ thống điện, nước, thủy lợi để tạo thuận lợi cho nông dân vận chuyển vật tư, thủy sản thương phẩm, góp phần hạ giá đầu vào, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống vườn ươm đảm bảo cung cấp đủ cây giống phục vụ trồng rừng và cây phân tán trên địa bàn; đầu tư thủy lợi theo hướng đa chức năng để phục vụ nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp nước cho dân sinh; ưu tiên phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, tập trung đầu tư các công trình thủy lợi đầu mối.
Về thị trường, xúc tiến thương mại
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hóa. Tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, tập trung vào thị trường các thành phố lớn và các tỉnh lân cận. Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh như: Gà Cúc Phương, Dê bản địa...
Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGap, ISO, HACCP,… Chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến, chợ đầu mối, thu gom, tiêu thụ nông sản cho người dân.
Xây dựng các chuyên mục, phóng sự truyền hình, các clip giới thiệu kỹ thuật sản xuất và các sản phẩm nông sản, phát sóng thường xuyên trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nhằm giới thiệu đến người người xem. Cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm về phát triển ngành nông nghiệp của các địa phương thông qua sàn giao dịch, địa điểm giới thiệu sản phẩm, tài liệu (tập san, tờ tin chuyên ngành, các báo cáo khoa học, báo cáo chuyên ngành) về những kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp về vốn
Thành lập Quỹ hỗ trợ cho nông nghiệp để giúp chủ trang trại khi có dịch bệnh, thiên tai gây tổn thất đến sản xuất chăn nuôi ở địa phương. Mặt khác, cần đưa các chương trình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi phối hợp với chương trình, dự án khuyến nông, khuyên lâm, khuyến ngư và nguồn vốn giải quyết việc làm để cho vay phát triển kinh tế trang trại. Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với vốn tín dụng ưu đãi với thủ tục vay đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên và có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trong trang trại.
Giải pháp về khoa học công nghệ và đào tạo nghề
ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là công nghệ cao trong chăn nuôi từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn. Triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như: Thâm canh lúa cải tiến SRI; sản xuất rau, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn hay tiêu chuẩn Việt Nam; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; nông lâm kết hợp trên đất dốc...
Tăng cường hợp tác với các Trường đại học, các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là HTX, doanh nghiệp nghiên cứu, tạo ra các các loại giống cây trồng, vật nuôi mới; quy trình sản xuất, thâm canh… ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất.
Trung tâm Khuyến nông của tỉnh mở các lớp tập huấn, tư vấn cho chủ trang trại về kỹ thuật sản xuất cây con trong trang trại, kiến thức về quản lý hạch toán kinh tế, quản lý môi trường, xúc tiến thương mại cho sản xuất trang trại. Tuyên dương, khuyến cáo những trang trại điển hình để nhân rộng.
Thường xuyên huấn luyện kỹ thuật theo kiểu "cầm tay chỉ việc" cho chủ trang trại kiến thức về thú y (đối với gia súc, gia cầm), bảo vệ thực vật (trong lĩnh vực trồng trọt) nhằm tránh dịch bệnh xảy ra làm tổn thất đến hộ chăn nuôi và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Phân công cán bộ có chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng nông nghiệp của các huyện, thành phố trực tiếp xuống giúp đỡ từng trang trại để đánh giá hiệu quả hoạt động của trang trại và hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ làm cơ sở để nhân rộng mô hình trang trai trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước
Nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách riêng cho phát triển kinh tế trang trại; xây dựng các mô hình, chỉ đạo làm điểm kinh tế trang trại tạo đột phá về phát triển kinh tế trang trại trong giai đoạn 2018-2020 tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới. Xây dựng và thành lập trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để là nơi ứng dụng khoa học công nghệ cũng như trình diễn sản xuất.
Quản lý chặt chẽ các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp như: phân bón, thuốc trừ sâu các loại, giống, máy móc nông nghiệp...
Tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để kịp thời tổ chức phòng, chống, dập dịch, đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Từ kết quả phát triển trang trại trong thời gian qua cho thấy phát triển trang trại là đi đúng hướng, là điều kiện để lao động nông nghiệp phát huy lợi thế, nâng tầm quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động và nâng dần sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.
Phát triển trang trại đã góp phần tích cực chuyển dịch từ sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Phát triển trang trại cũng chính là một phương pháp tích tụ ruộng đất tập trung, phân công lao động hợp lý.
Trong thời gian tới, để trang trại phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh đòi hỏi các cấp, các ngành của tỉnh phải xây dựng kế hoạch, quy hoạch, rà soát lại các trang trại cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, trên cơ sở đó thực hiện các giải pháp đồng bộ, lâu dài, chính sách hợp lý nhằm khuyến khích các loại hình trang trại phát triển bền vững.
TS. Trần Hồng Quảng(TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh)