Còn nhiều vấn đề bất cập
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 849 trang trại, gia trại (208 trang trại và 641 gia trại) với tổng vốn đầu tư của các chủ trang trại là trên 789 tỷ đồng, bình quân thu nhập khoảng 0,13 tỷ đồng/trang trại, gia trại/năm. KTTT trên địa bàn tỉnh phát triển đã tận dụng và phát huy được lợi thế vùng, đặc biệt là khai thác, mở mang thêm được những diện tích đất hoang hóa trước kia, các vùng đất trống, đồi núi trọc, vùng bãi bồi ven sông, mặt nước ao đầm, biển… để tạo ra sản phẩm hàng hóa nông - lâm - thủy sản có giá trị. Từ KTTT nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Những mô hình sản xuất mới với cách quản lý khoa học, ứng dụng tiến bộ trong lai tạo giống, vật nuôi tại các trang trại là cơ sở để nhiều nông dân học tập, tiếp cận, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn của địa phương.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và những hiệu quả nhất định, KTTT trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. KTTT ở tỉnh ta vẫn mang tính tự phát, tốc độ phát triển trang trại chậm, tổng giá trị hàng hóa trang trại trên sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp (8,2%); việc sử dụng lao động chưa nhiều; chưa có quy hoạch vùng để phát triển; vệ sinh môi trường sinh thái của các trang trại còn gây nhiều bức xúc. Trình độ quản lý và tổ chức sản xuất thấp, có tới 83% chủ trang trại chưa qua lớp đào tạo nghề, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, khoa học, kỹ thuật... Do đó, việc điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Chất lượng sản phẩm từ các trang trại chưa cao nên giá bán ra thị trường thường thấp, sức cạnh tranh yếu, sản xuất thụ động, hiệu quả thấp.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay của các chủ trang trại đó là thiếu vốn. Theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ trang trại muốn vay vốn phải có giấy chứng nhận trang trại, nếu không chỉ được áp dụng theo đối tượng vay vốn là hộ gia đình, cá nhân trong khi đó, trên toàn tỉnh hiện mới chỉ có 98 trang trại được cấp giấy chứng nhận (chiếm 47,1% tổng số trang trại). Nguyên nhân khiến cho việc cấp giấy chứng nhận trang trại ở địa phương thời gian qua còn nhiều hạn chế là do thủ tục để có được giấy chứng nhận mất khá nhiều thời gian, việc tuyên truyền, hướng dẫn và giải quyết thủ tục cho chủ trang trại chưa được thực hiện một cách rộng rãi… Còn về phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì lại e ngại khi thẩm định, cho vay đối với với các khoản vay phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn bởi sản xuất nông nghiệp hay gặp rủi ro nên thu hồi vốn khó.
Ông Trần Minh Sơn, thôn 10 xã Phú Long, huyện Nho Quan cho biết: gia đình tôi làm kinh tế trang trại tổng hợp từ nhiều năm nay. Hiện, tôi đang sở hữu một cơ ngơi rộng lớn với 17 ha chuối tiêu hồng và nhiều diện tích cây trồng có giá trị như nhãn lồng, mít thái, ổi… Bên cạnh đó gia đình còn chăn nuôi bò, lợn, vịt, gà và cá giống. Mỗi năm trang trại thu về từ 0,9-1 tỷ đồng. Tuy nhiên ông Sơn tâm sự, để phát triển được trang trại như hiện nay gia đình phải "chạy vạy" khắp nơi để vay vốn đầu tư, sản xuất, ông hầu như không vay được chút vốn nào của ngân hàng bởi thủ tục rườm rà và mức cho vay thấp.
Giải pháp tháo gỡ
Xác định, phát triển kinh tế trang trại góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Mới đây Sở NN&PTNT đã xây dựng đề án khuyến khích phát triển kinh tế trang trại tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020 để trình UBND tỉnh thông qua. Mục tiêu cụ thể của đề án là phấn đấu đến năm 2017 mỗi xã có ít nhất 1 khu trang trại sản xuất với diện tích từ 5-10 ha trở lên, tổng giá trị sản xuất của các trang trại đạt bình quân 1 tỷ đồng/trang trại/năm, đưa tỷ trọng sản xuất hàng hóa các trang trại chiếm 20% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.
Tại đề án, nhiều giải pháp đã được đưa ra như việc quy hoạch phân vùng phát triển KTTT nhằm tạo điều kiện cho tất cả các vùng trên địa bàn tỉnh phát triển đồng đều trên cơ sở hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và liên kết vùng. Đối với vùng núi (huyện Nho Quan, thị xã Tam Điệp) phát triển loại hình trang trại chăn nuôi, tổng hợp, đặc biệt có thể trồng thử nghiệm cây mắc ca. Vùng đồng bằng phát triển mô hình nông nghiệp toàn diện như trang trại trồng trọt (thâm canh lúa chất lượng cao, rau màu, lúa cá). Đối với vùng ven biển (huyện Kim Sơn) xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung, trang trại tổng hợp, trang trại nuôi trồng thủy sản đặc biệt là các con có giá trị kinh tế cao như ngao, tôm, ếch, rắn…Bên cạnh đó, đề án cũng đề cập đến vấn đề miễn giảm tiền thuê đất, tạo điều kiện cho các chủ trang trại được cấp quyền sử dụng đất, thuê đất dài hạn cũng như khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa. Các chính sách tín dụng cũng sẽ linh hoạt hơn để các trang trại tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất. Cùng với việc các trang trại bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh cũng sẽ quan tâm hỗ trợ thêm ở các vùng quy hoạch kinh tế trang trại, vùng chế biến sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích các trang trại ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa những giống vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để các trang trại xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm với mức tối đa lên tời 100 triệu đồng/sản phẩm…
Với những chính sách và giải pháp cụ thể, tin rằng thời gian tới KTTT trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Tin, ảnh: Hà Phương