Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới. Việc ban hành Nghị quyết 20 trong giai đoạn này được kỳ vọng sẽ gỡ ra nhiều nút thắt về cơ chế, chính sách cho khu vực KTTT, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh để hiểu hơn về những vấn đề có liên quan.
Để kinh tế tập thể ngày càng phát triển
Phóng viên (PV):Xin đồng chí có thể đánh giá những kết quả nổi bật khu vực KTTT đạt được trong thời gian qua?
Đ/c Lê Thị Tâm: Trong thời gian qua, khu vực KTTT, HTX của tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi, đã cơ bản vượt qua yếu kém kéo dài, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đến nay, toàn tỉnh đã có 456 HTX, 2 Liên hiệp HTX thu hút hơn 300 nghìn thành viên tham gia, trong đó: 355 HTX lĩnh vực nông nghiệp (212 HTX dịch vụ và 143 HTX chuyên ngành); 62 HTX phi nông nghiệp, 39 quỹ tín dụng nhân dân. Thu nhập bình quân năm 2022 của HTX ước đạt 300 triệu đồng (tăng 3 lần so với 2001), thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 45 triệu đồng/người/ năm.
Khu vực KTTT cũng đã có những đóng góp vào tăng trưởng GDP chung của tỉnh, nhưng quan trọng hơn, hoạt động của các HTX đã thực sự có tác dụng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo ra mối liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong HTX và giữa thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản, lương thực. Các HTX thông qua tổ chức và hoạt động của mình đã huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chất lượng tăng trưởng ổn định, cải thiện chất lượng đời sống của thành viên, cộng đồng dân cư, hạn chế biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức.
Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, các HTX đã tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, thu nhập cho hơn 265 nghìn thành viên, nhất là các đối tượng xã hội, yếu thế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các HTX còn là nơi giáo dục ý thức cộng đồng, đề cao các giá trị văn hóa, đạo đức, phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng làm giàu, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Các HTX còn thể hiện rõ vai trò tích cực của mình trong việc góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an ninh quốc phòng, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đồng thời còn là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung cán bộ cho địa phương.
PV:Đồng chí có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với khu vực KTTT là gì?
Đ/c Lê Thị Tâm: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực KTTT, HTX cũng còn có những khó khăn. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chung của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Các HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số HTX năng lực quản trị còn yếu, lúng túng trong định hướng hoạt động, đầu ra không ổn định, lợi nhuận thấp, thiếu năng lực về cơ sở vật chất, vốn, nhân lực để thực hiện dự án quy mô lớn; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành của các HTX còn rất hạn chế; HTX chưa có các thương hiệu sản phẩm mạnh đủ sức cạnh tranh; chưa có nhiều HTX tổ chức được dịch vụ bảo quản, chế biến sản phẩm cho thành viên; số mô hình HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn chưa nhiều.
Khu vực KTTT, HTX bước đầu có cải thiện về lượng và chất nhưng chủ yếu vẫn là các HTX cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên, còn việc liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho thành viên còn hạn chế; năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Các hoạt động liên kết giữa các HTX với HTX và các tổ chức kinh tế khác chưa nhiều; một số chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa chuyển biến về chất.
Mô hình sản xuất tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt (thành phố Tam Điệp).
PV:Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới vừa được ban hành. Theo đồng chí, Nghị quyết lần này có những điểm gì mới và có những chính sách hỗ trợ khu vực KTTT phát triển như thế nào?
Đ/c Lê Thị Tâm: Việc ban hành Nghị quyết lần này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với khu vực KTTT. Nghị quyết đã đưa ra được những điểm mới, những chính sách cụ thể.
Thứ nhất, đã thể hiện rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc nhận thức đúng đắn, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện niềm tin vào sự phát triển bền vững của mô hình HTX trong tương lai. Nghị quyết cũng khẳng định cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho cán bộ đảng viên, nhất là những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đặc biệt đã đưa giáo dục về KTTT vào hệ thống giáo dục quốc dân.
Thứ hai là đưa ra quan điểm phát triển KTTT coi trọng lợi ích của các thành viên; sự hợp tác, trợ giúp lẫn nhau hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể và đa dạng hơn các thành viên trong tổ chức KTTT, gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết cùng góp vốn, góp tài sản trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ.
Thứ ba, Nghị quyết nhấn mạnh về quan tâm phát triển thành viên, với quan điểm tạo điều kiện cho số đông thành viên, người lao động được hưởng lợi khi tham gia các tổ chức KTTT, đồng thời có chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ưu tiên phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Thứ tư, Nghị quyết lần này nêu rõ về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT, trong đó nhấn mạnh sẽ xây dựng chương trình tổng thể về phát triển KTTT trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của KTTT. Một số điểm mới trong chính sách như: Nhà nước hỗ trợ chuẩn hóa các chức danh quản lý trong tổ chức kinh tế tập thể; khuyến khích tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh; hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ phí kiểm toán, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với các tổ chức KTTT, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các tổ chức KTTT đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động.