Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù vẫn còn gặp khó khăn do nền kinh tế thế giới và trong nước suy giảm, song tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2012 cơ bản ổn định. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 51,13 vạn tấn, vượt 6,5% so với kế hoạch năm. Thủy sản tiếp tục có những diễn biến tích cực, diện tích nuôi trồng được mở rộng, đạt gần 9,3 nghìn ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ và đạt 84,5% so với kế hoạch năm; sản lượng ước đạt 23,8 nghìn tấn, tăng 17% so với cùng kỳ, đạt 88,2% kế hoạch năm.
Ngành Công thương Ninh Bình đã cùng với các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ, chỉ thị của Bộ Công thương và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Các ngân hàng thương mại đã thực hiện hạ lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, duy trì việc làm cho lao động khu vực nông thôn, vì vậy kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tiếp tục đạt kết quả khá.
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 9 tháng năm 2012 đạt 9.846,3 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2011; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường ước đạt 12.200,1 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ và đạt 71,8% kế hoạch năm; chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn chỉ tăng 3,74% so với tháng 12 năm 2011.
Xuất khẩu vẫn là điểm sáng khi tiếp tục vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh 9 tháng ước đạt 321,6 triệu USD, tăng 62,9% so với cùng kỳ và vượt 21,4 % kế hoạch năm. Các nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Nhóm hàng dệt may đạt 120,4 triệu USD, chiếm 37,4 tổng kim ngạch xuất khẩu; xi măng + clanke 116,8 triệu USD, chiếm 36,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; giày dép các loại đạt 53,3 triệu USD. Thị trường xuất khẩu tập trung vào các nước: Hoa Kỳ, Băng La Đét, Brazil, Hồng Kông, Đài Loan... trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 35%.
Hoạt động du lịch 9 tháng đầu năm ước tính có trên 3,3 triệu lượt khách đến các điểm tham quan du lịch, tăng 15,1% và đạt 83,4% kế hoạch năm; số ngày khách ước đạt trên 319,7 nghìn ngày, tăng 10,6%; doanh thu đạt 654,8 tỷ đồng, tăng 19,4%, bằng 72% kế hoạch năm.
Còn nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể thấy bức tranh kinh tế của tỉnh trong quý III vẫn tồn tại những khó khăn nhất định. Đồng chí Nguyễn Chí Tình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những nguyên nhân chủ yếu khiến cho bức tranh kinh tế của tỉnh trong 9 tháng đầu năm vẫn còn nhiều gam màu tối đó là: Các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt các điều kiện cho vay, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm nhưng giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn còn ở mức tăng cao. Kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất ban hành chậm, một số phương án đấu giá đất phải dừng lại theo quy định của Chính phủ về sử dụng đất lúa. Kế hoạch nhập khẩu hàng hóa, thiết bị một số dự án gặp khó khăn nên thu từ xuất nhập khẩu, thu tiền sử dụng đất còn thấp. Công tác quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản còn bất cập, trách nhiệm của một số chủ đầu tư chưa cao, năng lực của một số Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công còn hạn chế. Trách nhiệm của các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp, nhà máy trong bảo đảm an toàn sản xuất, bảo vệ môi trường chưa cao, có nơi chưa thực hiện đúng quy trình, yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Tình hình KT-XH các tháng cuối năm 2012 dự báo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, nguồn vốn đầu tư, lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng, dịch bệnh, thời tiết và các biến động kinh tế thế giới có diễn biến phức tạp, khó lường.
Đánh giá về những chỉ tiêu của ngành công thương từ nay đến cuối năm, đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Với tình hình hiện nay, trong năm 2012 khả năng ngành công nghiệp - một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh rất khó có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế những tháng cuối năm vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Nhiều sản phẩm công nghiệp tiêu thụ chậm, khối lượng hàng tồn kho lớn. Mặc dù mức lãi suất ngân hàng có giảm, nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Trong bối cảnh này, rất khó đạt được kỳ vọng vừa chống suy giảm kinh tế, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.
Để hoàn thành kế hoạch năm, theo đồng chí Giám đốc Sở Công thương, các cơ quan Nhà nước cần phải chia sẻ với doanh nghiệp bằng việc quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 13 của Chính phủ và Kế hoạch 24 của UBND tỉnh. Mặt khác các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như cả nước cần liên kết với nhau để mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm.
Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH của năm 2012, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung vào một số nhiệm vụ chính là: Thực hiện kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 6-6-2012 của UBND tỉnh về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp về thăm và làm việc tại Ninh Bình; Kế hoạch 39/KH-UBND ngày 2-8-2012 về việc thực hiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13/NQ-CP; Kế hoạch số 24/KH-UBND về nhóm giải pháp thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội.
Sản xuất nông nghiệp chú trọng tăng cường chất lượng cung ứng dịch vụ vật tư và chất lượng giống lúa, mở rộng xây dựng "cánh đồng mẫu lớn", cánh đồng sinh thái. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung con nuôi đặc sản.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, giảm lượng tồn kho cho các sản phẩm vật liệu xây dựng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phát huy công suất của các nhà máy đã xây dựng… Thu hút các dự án đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, công nghệ sạch, có đóng góp ngân sách lớn như: rượu, bia, điện lạnh, điện tử…
Rà soát, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, bộ, ngành và địa phương. Tập trung khắc phục chậm chễ trong giải phóng mặt bằng và các tồn tại hạn chế của năng lực chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Đối với lĩnh vực thu ngân sách Nhà nước cần tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp xác định công tác thu ngân sach Nhà nước từ nay đến cuối năm 2012 là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo quyết liệt. Thường xuyên phân tích, đánh giá kết quả thu ngân sách, chỉ rõ nguyên nhân nguồn thu, địa bàn đạt thấp; tăng cường quản lý chặt chẽ chi phí hợp lý tại doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; thực hiện các biện pháp theo quy định để kiên quyết thu thuế nợ đọng; thành lập đoàn liên ngành của tỉnh để kiểm tra công tác thu, chống thất thu ngân sach Nhà nước.
Đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp kê khai hải quan và nộp thuế tại Ninh Bình.
Nguyễn Thơm