Danh hiệu làng, xóm văn hóa đã trở thành biểu tượng cho sự phồn thịnh, phát triển của mỗi địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế là, sau những nỗ lực để đạt được danh hiệu, thì nhiều địa phương lại không có ý thức bảo vệ danh hiệu… Nhìn từ thực tiễn
Đang chìm trong giấc ngủ trưa, cả xóm Đ.A (xãG.V- Gia Viễn) bỗng choàng tỉnh bởi tiếng cãi vã, tiếng đập phá đồ đạc, tiếng đuổi nhau thình thịch… của vợ chồng anh T. Mẹ tôi chép miệng: "Rõ khổ, thằng T lại đi uống rượu về rồi hành hạ vợ con đây". Mẹ tôi nói chưa dứt lời, đã thấy chị H - vợ anh T nước mắt đầm đìa, chạy vào nhà tôi. Sau khi được mẹ tôi trấn an, chị H vừa khóc, vừa kể: "Cháu đi làm đất trồng lạc về, đang lúi húi vừa cho lợn ăn, vừa nấu cơm. Chẳng biết "lão" đi uống rượu ở đâu về, khật khưỡng bước vào nhà rồi chửi mắng cháu. "Lão" kể tội cháu chiều qua không cho tiền để đánh đề, như vậy là cháu "hãm tài" lão. Không thấy cháu nói gì, lão lao vào đập phá, rồi định đánh cháu. May mà cháu bế con chạy kịp. Cháu khổ quá cô ơi…". Mẹ tôi im lặng, chẳng biết phải an ủi chị H thế nào nữa. Có lẽ, những gì cần nói thì mẹ tôi đã nói với chị ở những lần "xung đột" trước rồi. Trường hợp như gia đình chị H không còn là cá biệt ở xóm tôi nữa. Cái xóm nhỏ này đã không còn bình yên như xưa nữa.
Trước đây, làng tôi bình yên lắm. Nhất là khi địa phương phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", các tổ chức, đoàn thể như: Hội nông dân, phụ nữ, thanh niên… đến tận các gia đình để tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, các tổ chức Hội còn phát động hàng loạt các phong trào thiết thực như: Giúp nhau làm giàu, Gia đình không sinh con thứ 3, Nhà không có người mắc tệ nạn xã hội…
Hiểu được ý nghĩa của phong trào, người người, nhà nhà, ai cũng ra sức phấn đấu, góp sức mình xây dựng phong trào ngày càng lớn mạnh và đạt chất lượng cao. Với những nỗ lực đó của chính quyền, đoàn thể và bà con trong làng, làng tôi đã được công nhận là Làng văn hóa. Càng tự hào hơn, bởi làng tôi được coi là lá cờ đầu của huyện trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"... Thế nhưng, thời gian gần đây, phong trào có chiều hướng chững lại.
Sẽ sớm được khắc phục?
Ông Phạm Ngọc Văn - Trưởng phòng Gia đình và xây dựng nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch nhìn nhận: "Thực tế, những trường hợp như làng văn hóa Đ.A không phải là hiếm gặp. Một thực tế đặt ra là, có nhiều địa phương sau khi nỗ lực để đạt được danh hiệu Làng, xã (phường) văn hóa lại không chú trọng tới việc giữ gìn danh hiệu nữa. Sự phấn đấu của các tổ chức, đoàn thể không cao. Bằng chứng là hàng năm, vẫn có những đơn vị bị "tước" danh hiệu. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức ở cơ sở về phong trào còn thấp. Một số địa phương cho rằng, đây là việc của ngành Văn hóa. Từ nhận thức đó dẫn tới việc chỉ đạo chưa chặt chẽ, có nơi còn dễ dàng châm chước cho những sai phạm. Bên cạnh đó, cần phải thấy công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng, nhiều gia đình được công nhận gia đình văn hóa nhưng vẫn chưa hiểu vì sao mình đạt?
Thời gian qua, mặc dù Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã dựa trên những quy chế của Trung ương để chỉ đạo cho cơ sở tiến hành công tác rà soát lại những địa phương, gia đình đã được công nhận danh hiệu. Từ đó, đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, hiệu quả của công tác rà soát này chưa cao, chưa triệt để…".
Đồng quan điểm với ông Phạm Ngọc Văn, ông Vũ Hữu Kiều - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin - thể thao huyện Gia Viễn cho biết: "Cả huyện hiện có 198 khu dân cư. Trong khi đó, Ban chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống văn hóa lại chỉ có 4 - 5 thành viên. Những thành viên của Ban chỉ đạo là các đồng chí ở Phòng văn hóa, Ban dân vận, Mặt trận tổ quốc… Những cán bộ này đều phải hoạt động kiêm nhiệm, lại chưa có sự phối hợp nhịp nhàng nên kết quả hoạt động chưa sâu, chất lượng còn hạn chế.
Hàng năm, Ban chỉ đạo đều tổ chức bình xét danh hiệu dựa vào báo cáo từ cơ sở đưa lên. Vẫn biết, những báo cáo của cơ sở có thể chưa được chính xác, nhưng vì lực lượng quá mỏng nên Ban chỉ đạo cũng không thể "với" tay xuống được. Đối với những đơn vị đã được công nhận danh hiệu văn hóa, Ban chỉ đạo cũng chưa đi kiểm tra thường xuyên được, mà hầu hết vẫn dựa vào những báo cáo của cơ sở đưa lên thông qua các cuộc họp được tổ chức mỗi quý 1 lần". Ai cũng nhận thấy rằng, xây dựng một danh hiệu đã khó, gìn giữ được danh hiệu đó còn khó hơn. Để giữ được danh hiệu, ngoài sự đồng lòng của nhân dân, còn là sự quan tâm của địa phương. Ông Phạm Ngọc Văn cho biết: "Thời gian tới, các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tới từng người dân. Phong trào đi vào chiều sâu là nhờ sự phấn đấu của người dân, là công sức không nhỏ của "hạt nhân" gia đình văn hóa tiêu biểu. Do đó, các buổi bình xét gia đình văn hóa cần được tổ chức trang trọng. Qua đó, các gia đình sẽ hiểu được ý nghĩa những đóng góp tích cực của họ trong công tác xây dựng làng, xã văn hóa.
Hàng năm, các địa phương nên tổ chức bình xét, chọn ra những gia đình tiêu biểu từng cấp và chọn đi dự điển hình toàn tỉnh. Phần thưởng dành cho các gia đình văn hóa không nhiều nhưng sẽ động viên họ, tiếp tục thực hiện tốt phong trào. Mặt khác, chúng tôi sẽ mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về phong trào cho các cán bộ cơ sở. Chúng tôi xác định, chất lượng danh hiệu phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, chúng tôi kiên quyết rút danh hiệu nếu có đơn vị vi phạm".
Thu Hằng