Với mỗi người trong cuộc sống: Có một nơi để về - đó là nhà. Có những người để yêu thương - đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc. Việc xây dựng gia đình là tổ ấm, là nơi an toàn để mỗi thành viên trong đó được hưởng thụ sự bình yên, có điều kiện học tập, rèn luyện, lao động, vui chơi, phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần là mục tiêu chung của toàn xã hội. Và hầu hết mọi người đều đã, đang và luôn cố gắng hướng đến mục tiêu chung đó, trân trọng hạnh phúc gia đình, để mỗi gia đình là một "tế bào" lành mạnh của xã hội.
Để gia đình luôn là nơi trở về ấm áp
Mỗi năm, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 luôn nhắc nhở chúng ta hãy trở về ngôi nhà của mình để vun đắp cho mái ấm bằng những việc làm đơn giản.
Bà Dương Thị Hường (90 tuổi) là vợ liệt sĩ, ở xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn) đã có những năm tháng vất vả vì một mình nuôi 2 con trai. Nhưng "trái ngọt" hiện nay đối với bà Hường là 2 con trai đều có gia đình hạnh phúc với hàng chục cháu, chắt ngoan ngoãn, hiếu thuận.
Gia đình bà Hường gồm 4 thế hệ đang chung sống. Ngôi nhà khang trang được các con xây dựng với đầy đủ tiện nghi, đồ dùng hiện đại. Ngôi nhà luôn tràn ngập tiếng cười, niềm hạnh phúc bởi các thành viên luôn quan tâm, hỗ trợ nhau, cùng chăm sóc cho mẹ, bà, cụ thực sự sống vui, sống khỏe, hạnh phúc trọn vẹn lúc tuổi già.
Cô Trịnh Thị Dự, con dâu bà Hường chia sẻ: Bố chồng tôi là liệt sĩ khi mẹ tôi mới 30 tuổi. Cả cuộc đời bà vất vả thay chồng chăm sóc bố mẹ già, nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Bởi thế, anh em, con, cháu, chắt luôn ghi nhớ sự hi sinh ấy và dành cho mẹ tình yêu thương vô bờ bến. Chúng tôi cũng dạy bảo các con, cháu đoàn kết, thường xuyên trao đổi, chia sẻ thẳng thắn để sao cho giữa các thế hệ luôn có sự thông cảm, sẻ chia. Quan điểm của chúng tôi là cần sự dung hòa tư duy giữa cái cũ và mới. Người lớn chủ động tiếp cận thông tin, người trẻ luôn quan tâm tới ông bà, cha mẹ, không áp đặt những cái mới vào tư duy của người già, từ đó gia đình luôn thuận hòa, hạnh phúc.
Thành truyền thống bao đời nay, người Việt Nam luôn coi trọng gia đình và giữ gìn truyền thống tốt đẹp là kính trên, nhường dưới, là bao dung, chia sẻ, hi sinh... Ngày nay, gia đình cũng vẫn được Đảng và Nhà nước xác định là "tế bào", là "hạt nhân" của xã hội. Việc xây dựng gia đình yên ấm, hạnh phúc đã, đang và sẽ luôn trở thành truyền thống quý báu của người Việt và được các thế hệ chung tay vun đắp.
Truyền thống dân tộc Việt Nam luôn giữ đạo hiếu, kính trọng người già. (Trong ảnh: Lễ mừng thọ năm 2023 tại xã Ninh An, huyện Hoa Lư).
Gia đình bà Trần Thị Mấy ở xã Ninh An (huyện Hoa Lư) đang chung sống 3 thế hệ dưới một mái nhà. Nhà đông con, cháu, đã lập gia đình và sinh sống ở nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh nhưng cứ vào ngày cuối tuần, hầu hết các con, cháu đều tụ họp để cùng ông bà và người thân ăn bữa cơm, nói chuyện học tập, công tác. Ngôi nhà cũng được con, cháu chung sức đóng góp xây dựng khang trang, sạch sẽ, đủ chỗ cho cả gia đình quây quần. Bà Mấy nói, ở tuổi này, ông bà không còn gì để lo lắng khi các con trưởng thành, các cháu ngoan ngoãn, mang niềm vui về cho ông bà, cha mẹ.
Bà Mấy chia sẻ: Để xây dựng được gia đình hạnh phúc thực sự, được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm, các thành viên trong gia đình tôi đều chung quan điểm sống và cùng vì nhau mà cố gắng. Chúng tôi coi trọng việc gia đình sum họp trong các dịp lễ, Tết, dịp hè, ngày nghỉ cuối tuần... để ông bà, các con, cháu được quây quần, gần gũi, chia sẻ về sức khỏe, công việc, học tập. Ông bà, cha mẹ, những người lớn phải làm gương cho các con, cháu. Mỗi khi các con, cháu có hành vi, lời nói không đúng mực, ông bà đều nhẹ nhàng nhắc nhở, bảo ban để sửa chữa. Chúng tôi cũng coi con dâu như con gái, con rể như con trai để yêu thương, gần gũi và công bằng trong đối xử, giúp đỡ, giúp các con thoải mái, đoàn kết, chia sẻ, thực sự yêu thương và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Đồng chí Vũ Thị Lý, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, sự bền vững của gia đình chính là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Gia đình cũng là nơi gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp, là trường học đầu tiên dạy cho con người về các mối quan hệ, ứng xử, giá trị nhân cách, tình cảm, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với những người thân yêu, với cộng đồng, dân tộc. Bằng tình yêu thương, sự sẻ chia trong mỗi gia đình sẽ giúp sự liên kết trong các gia đình thêm bền chặt, để mỗi người sống có trách nhiệm với tổ ấm của mình hơn.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách phát triển gia đình Việt Nam, với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của các gia đình. Kể từ khi được Chính phủ lựa chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, ngày này đã được nhớ đến và trở thành ngày vui của mỗi người. Để từ đó thắp lên và lan tỏa tinh thần hướng về gia đình, tôn vinh tình yêu thương, sự sẻ chia và các giá trị văn hóa của gia đình. Không chỉ là dịp tôn vinh những mái ấm gia đình Việt, Ngày Gia đình Việt Nam còn là cơ hội để mỗi thành viên thấu hiểu và quý trọng hạnh phúc đang hiện hữu, từ đó biết trân trọng, giữ gìn và duy trì để ngày càng phát triển bền vững.
Năm nay, chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam là: "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng".Chủ đề này chú trọng đến mối quan hệ trong gia đình và tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Gia đình là cái nôi đầu tiên, là nơi mà mỗi cá nhân bắt đầu phát triển, học hỏi và tạo dựng các giá trị, phẩm chất của bản thân. Gia đình hạnh phúc được xem là căn cứ, bản lề để hình thành các công dân hạnh phúc và khỏe mạnh, làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội bền vững cho quốc gia. Chủ đề này mang những hy vọng lớn lao và tạo hiệu ứng tích cực, khơi gợi tinh thần đoàn kết, chung tay để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh, góp phần xây dựng xã hội, quốc gia ngày càng phát triển bền vững và hưng thịnh.