Anh Phạm Văn Mùi ở thôn 8, xã Đông Sơn cho biết: Gia đình anh trồng hơn 2 mẫu đào phai với hàng nghìn gốc đào. Cuối năm 2014, do thời tiết có những diễn biến khác thường. Mùa đông mà trời vẫn nắng ấm, thời kỳ rét đậm quá ngắn, không đủ thời gian cho đào ủ nụ, ủ lộc nên khi trời nắng là đào nở bung hết hoa. Mới 15 tháng chạp mà hoa đào đã nở gần hết, lác đác trên cây còn có vài cái nụ. Khách mua đào bây giờ lựa chọn kỹ lắm, đào đã nở hết như vậy ít có người mua. Chính vì vậy, năm 2014 gia đình anh chỉ thu được vài chục triệu đồng...
Bác Nguyễn Thị Được, người trồng đào lâu năm ở thôn 8, xã Đông Sơn cũng tâm sự: Đặc tính của cây đào là chịu hạn hơn chịu nước. Nếu trồng đào nơi đất trũng và thừa nước, rễ sẽ thối và cây dễ bị chết. Nếu trồng trong bóng râm, ít ánh nắng, đất ẩm, lá sẽ xanh tốt quanh năm, đến mùa rất ít hoa.
Vì vậy, để đào có nhiều hoa ta phải trồng ở nơi cao ráo, quang đãng. Tuy nhiên, cuối năm 2014, mùa đông mà mưa như ngày hạ, nhiều cây đào thối rễ chết... Mỗi cây đào từ lúc trồng tới lúc thu hoạch cũng phải mất từ 3-5 năm, chỉ cần vài trận mưa như vậy thì coi như thất thu...
Cũng theo bác Được, giá đào mấy năm nay khá cao, lượng mua cũng lớn. Nhiều xe con, xe tải vào đến tận vườn để mua đào, nhưng họ chọn mãi mà không ưng cây nào. Những năm trước, mỗi gia đình ở đây cũng thu từ 10 đến vài chục triệu đồng tiền bán đào, có gia đình thu được gần 100 triệu đồng, nhưng Tết năm vừa qua không có đào để bán, chung quy cũng vì đào nở quá sớm.
Theo một số nhà chuyên môn, ngoài yếu tố về thời tiết, việc đào bị chết do thối rễ và hoa nở không đúng dịp Tết còn có nguyên nhân chủ quan, đó là kinh nghiệm trồng đào, hãm đào của người dân Đông Sơn chưa có nhiều. Tùy theo thời tiết mỗi năm, để chọn thời điểm tuốt lá, thường là vào khoảng trung tuần tháng 11 âm lịch, cần bỏ toàn bộ lá đào để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp.
Theo dõi năm nào thời tiết nóng thì tuốt lá muộn hơn, năm nào thời tiết rét thì tuốt lá sớm hơn. Sau khi tuốt lá đào xong, nếu trời nắng nóng kéo dài, phải làm giàn che nắng, tạo bóng tối cho cây cả ngày trong thời gian mươi, mười lăm ngày và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán, thân cây đào, hãm cho đào không ra hoa sớm. Nếu trời rét kéo dài, có điều kiện, cần làm giàn che cho đào và hàng ngày tưới nước ấm vào quanh gốc đào để đảm bảo đủ nhiệt độ kích thích cho đào ra hoa đúng kỳ hạn.
Để hãm cây, cần dùng dao sắc khứa quanh một vòng cho đứt vỏ qua tầng libe vào tận gỗ ở vùng gần cổ cây. Sau khi hãm một tuần, lá đào hơi chuyển màu từ xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rũ xuống là được. Nếu lá vẫn chưa chuyển là chưa được, cần phải hãm lại bằng cách khứa thêm một vòng khác ở trên vết cũ.
Nếu vẫn chưa được lại phải hãm lần thứ 3. Thời gian hãm bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 8 âm lịch, hãm trước những cây khỏe, có lá xanh tốt. Hãm sau những cây yếu, một phần lá đã chuyển sang màu vàng. Không hãm những cây đào già. Có thể bới đất, chặt bớt rễ, dùng mai xén bớt từ 10-20% rễ, cần xén rải rác đều xung quanh gốc để hãm đào nở sớm... Những kinh nghiệm này nhiều người dân Đông Sơn chưa được phổ biến rộng rãi và việc áp dụng chưa được theo dõi, kiểm tra sâu sát nên nhiều hộ dân còn trồng đào theo hướng tự phát.
Dưới góc độ quản lý, mỗi năm đào Đông Sơn mang lại thu nhập cho người dân nơi đây từ 5-7 tỷ đồng. Nhưng chỉ vì thời tiết và kinh nghiệm trồng đào chưa cao nên có năm thất thu về đào. Một số hộ dân ở đây còn trồng đào theo hướng tự phát, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, may nhờ, rủi chịu.
Trong khi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, hãm đào và thúc đào để nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán ở các vùng trồng đào nổi tiếng như: Làng đào Ngọc Đà, xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên), Nhật Tân (Hà Nội), Thuận Châu (Sơn La)... không phải là hiếm. Trong khi vùng đào Nhật Tân, Ngọc Hà, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, đào vẫn nở đúng dịp Tết thì ở Đông Sơn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Điều đó khẳng định kinh nghiệm của việc chăm sóc, hãm đào, thúc đào ở Đông Sơn chưa cao.
Theo một số hộ dân ở Đông Sơn, mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực trong việc xây dựng thương hiệu, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đào…, nhưng hiệu quả còn thấp. Nhất là việc dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai; xây dựng hệ thống tưới tiêu...; thành lập hội trồng đào để các hội viên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, liên kết, hợp tác để phát triển sản xuất...
Xuân Bính Thân sắp về. Hy vọng một vụ đào bội thu cho người dân Đông Sơn.
Bài, ảnh: Xuân Tứ