Từ ngày 20/4/2008 trên địa bàn Ninh Bình đã xuất hiện bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản (bệnh tai xanh) trên đàn lợn, xảy ra ở thôn Quảng Hạ, xã Yên Thắng (Yên Mô), sau đó lan ra 12 xã, phường thuộc huyện Hoa Lư, Yên Mô và thành phố Ninh Bình.
Đồng chí Hà Quốc Thịnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Đợt dịch bệnh tai xanh lần này, mặc dù gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các địa phương cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Thú y, nên dịch bệnh đã nhanh chóng được khống chế.
Ngay trước và trong khi có dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng lập các chốt kiểm dịch thường trực 24/24 giờ trong ngày, kiên quyết xử lý, thu giữ phương tiện, lợn ốm của các thương lái không cho vận chuyển ra khỏi vùng có dịch. Các địa phương đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng với nông dân tích cực, chủ động dập dịch.
Để đối phó với dịch bệnh thì việc nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch có vai trò hết sức quan trọng. Trong đợt dịch tai xanh vừa qua, sở dĩ dịch nhanh chóng lây lan rộng một phần là do sự chủ quan của một số hộ nuôi lợn. Khi tỉnh Thanh Hóa xuất hiện dịch tai xanh, UBND tỉnh có chỉ thị áp dụng ngay những biện pháp cần thiết nhằm chống lây lan dịch như lập chốt kiểm dịch, yêu cầu các hộ chăn nuôi tích cực khử trùng, tiêu độc, thực hiện vệ sinh chuồng trại….tuy nhiên với một số hộ dân dịch vẫn như là chuyện, thậm chí ngay cả khi được cấp phát hóa chất, họ cũng không sử dụng. Mặt khác, do thiếu hiểu biết về các triệu chứng của dịch tai xanh nên có nhiều hộ đã tự mua thuốc về chạy chữa, tốn kém cả triệu đồng nhưng rút cục vẫn phải mang đi tiêu hủy, có hộ khi lợn ốm, không báo với Thú y mà mang đi tiêu thụ làm lây lan dịch bệnh….
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thuyết, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Yên Mô thì qua thực tế tại Yên Mô cho thấy, ý thức của người dân vẫn là yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch bệnh. Tại thôn Quảng Hạ, xã Yên Thắng, là nơi dịch bệnh xảy ra nặng nhất, nhưng ngay trong thôn vẫn có những hộ gia đình giữ được cả đàn lợn. Bởi lẽ các hộ này nuôi nhiều lại có hệ thống chuồng trại được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Đồng thời thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, thường xuyên tổ chức tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, chấp hành nghiêm những khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch tai xanh.
Thực tế đã chứng minh dịch lợn tai xanh xảy ra chủ yếu ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, còn chăn nuôi lợn quy mô trang trại vẫn được kiểm soát và bảo vệ tương đối tốt. Qua khảo sát của Sở Nông nghiệp và PTNT cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh, đa số vẫn là hộ gia đình và các gia trại chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh an toàn dịch bệnh.
Muốn phát triển chăn nuôi bền vững, sản xuất sản phẩm tập trung, chuyên nghiệp thì khâu đầu tiên cần định hướng cho người nông dân từng bước chuyển đổi hình thức chăn nuôi, chuồng trại phải cách xa nơi ở để bảo đảm an toàn và thuận lợi trong việc khống chế bệnh. Các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ để người chăn nuôi có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, thuê đất với giá ưu đãi nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, phải bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, không để dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Vì vậy, ngay từ khâu sản xuất, tiếp nhận giống vật nuôi đã phải có sự kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh. Lựa chọn những con giống tốt, khỏe mạnh, có nguồn gốc tại các cơ sở sản xuất giống đã được cấp phép hoạt động. Tổ chức tốt công tác kiểm dịch động vật, nắm bắt các luồng lưu thông gia súc trên địa bàn. Kiểm soát gia súc khi đưa vào giết mổ.
Công tác phòng bệnh phải được duy trì thường xuyên thông qua các biện pháp như: Bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi; tiêm phòng định kỳ một số loại vắc - xin phòng bệnh truyền nhiễm như vắc - xin lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn… Điều quan trọng nữa với tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới là cần giám sát chặt chẽ dịch bệnh ở những ổ dịch cũ và tăng cường xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh nhằm phát triển chăn nuôi bền vững.
Quốc Khang