Đã mấy tháng trôi qua, giờ nghĩ lại trận ốm hôm ấy, anh Nguyễn Văn Nhân, 36 tuổi, quê ở xã Kim Mỹ (Kim Sơn) vẫn thấy sợ. Do thiếu cẩn thận trong ăn uống, anh đã mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm và vào Trạm y tế điều trị trong tình trạng hết sức nguy kịch, mạch 0, huyết áp 0. Khẩn trương thăm khám, các y, bác sĩ trạm y tế đã quyết định phải bù nước điện giải thật nhanh và dùng kháng sinh để diệt khuẩn. Chỉ trong 24 giờ, anh Nhân đã phải truyền 54 chai dịch, một con số hiếm gặp trong điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp, điều đó đã nói lên tính chất nguy kịch của căn bệnh. Nếu không có sự phản ứng nhanh, tận tình, đúng phác đồ của những người thầy thuốc, không biết tính mạng của anh Nhân sẽ ra sao?
Trường hợp của anh Nhân chỉ là một trong số hàng nghìn người bệnh trên địa bàn tỉnh đã được các y, bác sĩ điều trị, cứu chữa trong năm qua. Tìm hiểu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, chúng tôi được biết: Năm 2008 là một năm khá bận rộn đối với đơn vị. Ngoài việc duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh, Bệnh viện còn chú trọng cải tiến lề lối làm việc, tiếp tục ứng dụng thành tựu khoa học-kỹ thuật vào quá trình điều trị, tăng cường công tác đào tạo cán bộ, hợp tác quốc tế…
Trong năm, Bệnh viện đã khám cho 117.000 lượt bệnh nhân, đạt 117% kế hoạch giao; điều trị nội trú cho 28.619 lượt người, đạt 141,3%; công suất sử dụng giường bệnh đạt 133%. Đặc biệt, do trình độ tay nghề của các y, bác sĩ được nâng lên cộng với việc được trang bị thêm máy móc, thiết bị nên nhiều kỹ thuật mới đã được áp dụng và phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến.
Cụ thể, Bệnh viện đã thực hiện thành công 419 ca phẫu thuật theo phương pháp nội soi, 29 ca phẫu thuật sọ não, 44 ca tán sỏi nội soi, 225 ca phẫu thuật pha cô, 312 ca nội soi tai, mũi, họng; chụp cắt lớp vi tính 2.619 lần, chạy thận nhân tạo 6.042 lần… Các chỉ tiêu cận lâm sàng như chụp X quang, xét nghiệm, điện tâm đồ vượt từ 150-200% kế hoạch. Cũng trong năm 2008, Bệnh viện đã triển khai công tác chăm sóc toàn diện tới 9 khoa: Chấn thương, Ngoại, Mắt, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Nội E, Nội tim mạch, Thần kinh, Đông y.
Tại các khoa này, việc chăm sóc người bệnh được tuân thủ theo quy trình, từ khâu thăm khám, cấp phát thuốc, theo dõi bệnh nhân đến khâu vệ sinh đều được các y, bác sĩ làm hết sức tỉ mỉ, xem đó là bước tập dượt, đặt nền móng cho phong cách phục vụ hiện đại của Bệnh viện 700 giường trong thời gian tới. Việc khám, chữa bệnh không chỉ được triển khai hiệu quả ở đơn vị tuyến tỉnh. Đối với các Bệnh viện huyện, phong trào thi đua nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được triển khai rộng rãi và đem đến những tác động tích cực. Hiện, 100% đơn vị tuyến huyện đã được đầu tư, nâng cấp về cơ sở, vật chất, trang thiết bị đảm bảo khang trang, hiện đại. Một số bệnh viện luôn vượt công suất sử dụng giường bệnh cao như: Nho Quan, Kim Sơn, thị xã Tam Điệp…
Làm việc với các đồng chí lãnh đạo Trung tâm y tế Kim Sơn, chúng tôi được biết: Năm 2008, Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các lĩnh vực khám, điều trị; dự phòng; đào tạo - nghiên cứu khoa học. Tổng số bệnh nhân đến khám tại Trung tâm là 68.340 lượt người, trong đó điều trị nội trú 8.486 lượt người, đạt 141,4%; điều trị ngoại trú 1217 lượt người, đạt 253%. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 143%.
Các đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, gia đình chính sách, người nghèo được thụ hưởng chế độ theo đúng quy định của Nhà nước. Trong quá trình điều trị không để xảy ra tai biến lớn. Nhiều kỹ thuật mới cũng đã được áp dụng, như: Rửa dạ dày, tháo lồng ruột bằng máy; xét nghiệm tét nhanh trong chẩn đoán viêm gan mãn tính, xét nghiệm chẩn đoán thấp tim, sử dụng điện châm đa chức năng trong điều trị đông y…
Để Trung tâm Y tế Kim Sơn vươn lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Y tế và tỉnh đã cho phép nâng quy mô giường bệnh, từ 100 giường lên 150 giường bệnh, theo đó Trung tâm cũng đã khởi công, xây dựng khu nhà điều trị 50 giường bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Vừa qua, Trung tâm đã có 5 bác sĩ tốt nghiệp chuyên khoa I về làm việc, bổ sung kịp thời cho tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao tại đơn vị.
Đối với lĩnh vực y tế dự phòng, thành tựu nổi bật nhất trong năm chính là đã khống chế thành công dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, không có bệnh nhân tử vong. Một số dịch bệnh như sởi, chân, tay, miệng đã được dập tắt. Trong đợt mưa lũ xảy ra cuối tháng 10, đầu tháng 11-2008, dù có hàng nghìn hộ dân bị ngập sâu trong nước nhưng ngành Y tế đã làm tốt khâu khám, cấp cứu, phòng, chống dịch, nhờ đó trên địa bàn không để xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đầy đủ ước đạt 98,7%. Trong năm không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Bệnh nhân lao, tâm thần được quản lý, điều trị. Công tác xử lý chất thải bệnh viện đã được quan tâm, đáp ứng yêu cầu.
Với những kết quả đạt được, ngành Y tế đã góp phần xứng đáng vào việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2008, tạo đà cho bước phát triển mạnh mẽ hơn vào năm 2009 và những năm tiếp theo.
Hà Trang