Đến thăm lớp diễn viên khóa III (2011- 2013) của Nhà hát Chèo khi lớp mới vào học được hơn 2 tháng, được sự hướng dẫn của Nghệ sỹ ưu tú Đào Xuân Nghị, Phó Trưởng phòng Nghệ thuật, chúng tôi được tiếp cận với một buổi học hát chèo của các em học viên. Cũng là hình thức "truyền nghề" mà nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống vẫn duy trì, những làn điệu chèo được thầy hát trước rồi học trò hát theo là một hình thức giảng dạy khá hiệu quả... Nhiều làn điệu, trích đoạn chèo hay, những vai diễn "đóng đinh" tên tuổi của một số nghệ sỹ Nhà hát được truyền đạt lại hết sức tỷ mỷ cho các em học sinh thông qua sự tận tình dạy dỗ, chỉ bảo của các nghệ sỹ. Cũng là những nhân vật trong các vở chèo như: Thị Mầu, Thái hậu Dương Vân Nga, Trương Hán Siêu… qua sự thể hiện của các em học sinh, tuy còn nhiều bỡ ngỡ, chưa thật nhịp nhàng, ăn khớp với vai diễn, nhưng đã cho thấy lòng say nghề, nắm bắt tốt tâm lý, diễn biến của nhân vật, có sự sáng tạo trong lối diễn xuất, câu hát… của một số học sinh. Lớp diễn viên khóa III thu hút đông học viên nhất so với 2 khóa trước với 15 học viên. Tuy nhiên không phải đã vào học là em nào cũng thành công, cũng theo nghề, bởi nghệ thuật truyền thống luôn đòi hỏi khắt khe người nghệ sỹ ngoài năng khiếu ra phải khổ luyện mới thành tài. Chính vì vậy, chỉ qua 1 năm học đầu tiên, các thầy giáo đã phát hiện được những em có tố chất, những em không có khả năng theo nghề.
Từ năm 2005, được sự quan tâm của tỉnh và ngành chủ quản, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 18-11-2005 về việc phê duyệt kế hoạch phát triển Đoàn nghệ thuật Ninh Bình (nay là Nhà hát Chèo), cho phép Nhà hát tổ chức tuyển chọn và mở các lớp học sinh năng khiếu, đào tạo tại chỗ để sau này lựa chọn các em có thành tích học tập tốt vào làm diễn viên của Nhà hát. Để có được lứa học sinh đầu tiên, Nhà hát đã về tận các địa phương để tuyển lựa những em có năng khiếu và yêu thích bộ môn nghệ thuật chèo. Sau đó, Nhà hát tiếp tục sàng lọc, lựa chọn những em đáp ứng được yêu cầu bước đầu của bộ môn nghệ thuật, truyền dạy một số làn điệu chèo để có sự lựa chọn cuối cùng là chọn ra những em xuất sắc nhất.
Trong thời gian 2 năm, các học sinh được học các bộ môn: Hát chèo, múa cơ bản của chèo, cơ huấn, nghệ thuật biểu diễn và thực hành kỹ năng biểu diễn, nhạc lý cơ bản, đạo đức diễn viên, lịch sử sân khấu Việt Nam và phương pháp sân khấu dân tộc... Giảng viên tham gia giảng dạy lớp năng khiếu được Nhà hát mời các nghệ sỹ, giảng viên thuộc Đại hội Sân khấu điện ảnh Hà Nội và do chính các NSƯT của Nhà hát như: Lâm Bình, Lý Thanh Kha, Mai Thủy, Đào Xuân Nghị, Quang Thập… đảm nhiệm.
Tuy thời gian đào tạo ngắn, nhưng Nhà hát luôn đảm bảo công tác giảng dạy để hết năm học thứ nhất, các em hoàn thành phần lý luận và 8 đơn nguyên biểu diễn, hình thành bằng hệ thống các tiểu phẩm sân khấu. Sang năm học thứ hai, tập trung vào việc tiếp cận và học các vai mẫu, các trích đoạn chèo, chèo ngắn, kịch ngắn… Kết thúc khóa học, Nhà hát tạo điều kiện dàn dựng một vở dài để các học sinh luyện tập, làm báo cáo tốt nghiệp.
Quá trình học tập tại Nhà hát, bên cạnh việc được học các vai mẫu, các trích đoạn chèo… các học sinh còn được tham gia các vở diễn, chương trình biểu diễn của Nhà hát. Để giúp các em trưởng thành trong môi trường nghệ thuật, lãnh đạo Nhà hát đã mạnh dạn giao một số vai diễn cho những học sinh có thành tích học tập tốt tại lớp năng khiếu.
Những gương mặt học sinh khóa đầu tiên như: Thanh Tuyền, Lê Anh Tú, Quách Thị Lý, Điền Thị Thúy... hiện nay đã trở thành diễn viên của Nhà hát, được tín nhiệm giao đóng nhiều vai diễn chính trong các chương trình nghệ thuật. Đặc biệt, diễn viên trẻ Thanh Tuyền đã xuất sắc giành 2 giải thưởng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 với Huy chương vàng cho vai diễn và giải nữ diễn viên trẻ xuất sắc của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam.
Lứa diễn viên trẻ đang công tác tại Nhà hát Chèo Ninh Bình hiện nay hứa hẹn sẽ ghi dấu ấn với bộ môn nghệ thuật truyền thống như lớp nghệ sỹ đi trước đã làm được và thành danh với nghề.
Bùi Diệu