P.V: Xin đồng chí cho biết khái quát về các lễ hội ở tỉnh ta?
Đồng chí Nguyễn Phúc Khôi: Ninh Bình là tỉnh nằm trong khu vực địa lý vùng đồng bằng Bắc bộ dày đặc các dấu ấn văn hóa truyền thống được thể hiện ở các công trình kiến trúc như đình, đền, chùa, miếu, phủ, lăng mộ, từ đường, các làng nghề thủ công truyền thống và những phong tục, tập quán, đặc biệt là lễ hội dân gian. Có 795 di tích được phân bố đều khắp 146 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, có 225 ngôi chùa, 242 đình, 328 đền, miếu, phủ... Ngoài ra, còn có 285 nhà thờ Công giáo, trong đó có 73 nhà thờ giáo xứ, 212 nhà thờ họ. Các di tích và danh thắng gắn liền với lễ, hội, tiêu biểu là đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành, chùa Nhất Trụ, đền thờ Công chúa Phất Kim (ở Cố đô Hoa Lư); đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương - quê hương Đinh Tiên Hoàng đế). Chùa Bái Đính, đền thờ Thánh Nguyễn, Thung Lá, đình Trùng Thượng, đình Trùng Hạ (huyện Gia Viễn)... cùng với 35 làng nghề truyền thống đã làm nên sắc diện đa dạng các lễ hội văn hóa của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 76 lễ hội truyền thống. Trong đó lễ hội tổ chức ở đền là 19, ở chùa 11, ở đình 12, ở phủ 4, ở nhà thờ xứ 4, ở các địa điểm khác (làng, xã) là 26. Theo phong tục truyền thống, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân, năm mới, các lễ và hội được diễn ra, thu hút mọi tầng lớp nhân dân địa phương và khách thập phương tham gia.
P.V: Vai trò của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong việc đảm bảo cho lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, văn minh?
Đồng chí Nguyễn Phúc Khôi: Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về quy chế tổ chức lễ hội, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh khảo sát tình hình hoạt động lễ, hội ở các địa phương, tìm ra những tồn tại, khó khăn, những vấn đề phát sinh vướng mắc trong hoạt động lễ hội để tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có những chủ trương, giải pháp tổ chức, chỉ đạo điều chỉnh uốn nắn kịp thời.
Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Công văn số 21 ngày 14-2-1011 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội và Công văn số 44, ngày 15-2-2011 về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại Khu du lịch Tràng An và núi chùa Bái Đính. Đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác xây dựng nếp sống văn hóa và quản lý văn hóa, lễ hội cho cán bộ quản lý của các phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố, thị xã, một số cán bộ lãnh đạo và cán bộ văn hóa xã hội của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hàng năm Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành công văn chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn các địa phương bổ sung nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào hương ước tại cộng đồng dân cư; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh, cảnh quan môi trường; thực hiện đúng Quy chế lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân. Thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp Phòng PA25 Công an tỉnh, Đội 814 tỉnh tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trong hoạt động lễ hội, ngăn ngừa và xử lý vi phạm hành chính.
P.V: Đồng chí có thể cho biết những điểm mới trong tổ chức lễ hội năm nay?
Đồng chí Nguyễn Phúc Khôi: Bên cạnh sự phối kết hợp của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch với các địa phương và các Ban quản lý di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đảm bảo tổ chức lễ hội theo quy định của Nhà nước, địa phương, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn phối hợp với các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương thực hiện nghiêm túc việc xin phép, cho phép và triển khai tổ chức lễ hội theo các quy định hiện hành. Phối hợp triển khai các giải pháp đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ hợp lý tại di tích trong dịp lễ hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện, kiên quyết xử lý các vi phạm như mê tín dị đoan, bói toán, xóc thẻ, thả tiền, ném tiền, đặt tiền gây phản cảm nơi thờ tự. Xóa bỏ các trò chơi mang tính cờ bạc, sát phạt... hoạt động văn hóa và lợi dụng lễ hội để kinh doanh, trục lợi hoặc thực hiện các hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục, nếp sống văn hóa của dân tộc. Có biện pháp khắc phục tình trạng ăn xin, tranh giành, đeo bám khách, quản lý giá cả hàng hóa dịch vụ trong lễ hội, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc ở lễ hội...
P.V: Vấn đề quản lý lễ hội trong thời gian tới được quản lý như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Phúc Khôi: tiếp tục quán triệt sâu sắc trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp về trách nhiệm đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND tỉnh theo tinh thần Thông báo số 04/TB-UBND về công tác đảm bảo an ninh trật tự và chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ lễ hội. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư năm 2011. Chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, xây dựng hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động lễ hội và phục vụ nhu cầu tâm linh và tham quan du lịch của nhân dân và du khách.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (Thực hiện)