Bên cạnh việc thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp về các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, Luật còn quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người làm báo. Luật Báo chí lần này đã kết cấu chương II với 4 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó quy định công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội... về quyền tác nghiệp của báo chí, ngoài những quy định của Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí 2016 đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, Luật Báo chí 2016 đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân , Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ. Cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật Báo chí 2016 còn bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng. Luật Báo chí 2016 cũng quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, trong đó đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn trong một số hành vi so với Luật Báo chí hiện hành, có bổ sung một số hành vi như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất, tinh thần của trẻ em; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng...
Để Luật Báo chí 2016 thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ đắc lực các yêu cầu phát triển của xã hội, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan hữu quan tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Báo chí đến các tầng lớp nhân dân, để Luật Báo chí trở thành một phần quan trọng trong đời sống pháp luật của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, các nhà báo phải là những người đi đầu thực hiện Luật Báo chí, mỗi người phải không ngừng trau dồi nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng rèn luyện tu dưỡng đạo đức người làm báo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đặc biệt là phải đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam.
Đỗ Bằng