Nhiều vùng nông thôn trong tỉnh vẫn được duy trì phát triển nghề truyền thống tiêu biểu như các làng nghề sản xuất cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, mây tre đan, mộc dân dụng, gốm mỹ nghệ. Các sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng, được thị trường trong và ngoài nước yêu thích, đem lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là giá trị xuất khẩu. Đây là một thế mạnh để thúc đẩy ngành du lịch Ninh Bình phát triển. Thời gian qua, để có cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, đồng thời xây dựng quy hoạch hệ thống làng nghề phục vụ du lịch của tỉnh, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện Kim Sơn, Gia Viễn, Yên Mô, Hoa Lư tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động của các làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề, tổ chức xét chọn công nhận danh hiệu làng nghề, nghệ nhân cấp tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 44 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu làng nghề sản xuất công nghiệp - TTCN cấp tỉnh. Sở còn vận động các doanh nghiệp và các làng nghề truyền thống như thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, sản xuất cói, bèo bồng tham gia hội trợ triển lãm sản phẩm làng nghề truyền thống tại lễ hội Cố đô Hoa Lư và một số hội chợ triển lãm do Bộ Công thương tổ chức, tạo cơ hội tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống tới khách du lịch trong và ngoài nước; phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Ninh Bình hỗ trợ làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân một khu trưng bày ngoài trời.
Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch và triển khai phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với du lịch còn gặp nhiều khó khăn, như làng nghề đá mỹ nghệ chưa chú trọng chế tác các sản phẩm nhỏ mang ý nghĩa quà lưu niệm, phù hợp với thị hiếu khách du lịch. Sản phẩm rượu Lai Thành (Kim Sơn) tuy đã có tiếng nhưng do chưa hình thành làng nghề sản xuất rượu thủ công nên việc định hướng mẫu mã, kiểm soát chất lượng và đăng ký thương hiệu để giới thiệu với khách du lịch còn khó khăn. Sản phẩm thêu ren, do chưa hình thành được nhiều các điểm bán hàng tập trung, các khu trưng bày gắn với giới thiệu sản phẩm, việc bán hàng chủ yếu do người dân thực hiện tự do tại các địa điểm du lịch, nên các cơ quan quản lý chưa kiểm soát được giá cả và chất lượng sản phẩm.
Theo ông Hà Quang Điệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Ninh Bình, để phát triển các sản phẩm làng nghề phục vụ khách du lịch, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ kết hợp với Sở Công thương tiếp tục tổ chức cho các làng nghề, các doanh nghiệp tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các lễ hội trong tỉnh và các triển lãm trong nước. Với sản phẩm đá phục vụ du lịch, trung tâm hỗ trợ làng nghề đào tạo nghệ nhân làm tranh đá và tạo thêm mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với sản phẩm du lịch. Bên cạnh việc tỉnh đầu tư xây dựng chợ tập trung để bán sản phẩm thêu của làng thêu Văn Lâm, Trung tâm sẽ củng cố và hỗ trợ cho việc thêu hàng màu và đổi mới mẫu mã. Riêng với sản phẩm rượu Lai Thành, Trung tâm có đề án hỗ trợ kết hợp với gốm sứ Yên Thành - Yên Mô để tạo ra bình rượu có kiểu dáng đặc trưng.
Hương Giang