THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Là một trong những địa phương có tiềm năng lao động dồi dào, huyện Yên Khánh xác định phải triển khai đồng thời nhiều giải pháp để khai thác hết tiềm năng đó, trong đó xuất khẩu lao động được xem là hướng đi có hiệu quả. Tiêu biểu như gia đình bà Đinh Thị Thư, xóm Thượng 2, xã Khánh Lợi (Yên Khánh) có 3 người con trai, 1 con dâu đều đi xuất khẩu lao động tại thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và người con trai út đang làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Sau 3 năm, những người con của bà đều đã có được nguồn thu nhập đáng kể, gửi về để xây dựng nhà cửa khang trang và một phần tích lũy để làm kinh tế sau khi hết hạn trở về nước.
Người con dâu của bà là chị Phạm Thị Nhài, sau khi trở về nước sinh con thứ hai, chị đang tính sẽ tiếp tục đi xuất khẩu lao động để tích lũy thêm vốn liếng, cải thiện đời sống gia đình. Chị Phạm Thị Nhài cho biết: Hai vợ chồng tôi đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, với mức chi phí đi là 5.500 USD (khoảng 130 triệu tiền Việt Nam).
Với công việc là sản xuất ốc vít, mức lương của tôi đạt từ 15 -16 triệu đồng/tháng nếu tham gia đủ ngày công, trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng tôi tiết kiệm được 10 triệu đồng gửi về gia đình trang trải nợ khi vay đi XKLĐ. Như vậy sau gần một năm gia đình tôi đã trả hết nợ đi. Hiện tại vợ chồng tôi tích lũy để xây nhà.
Đồng chí Đỗ Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Khánh Lợi cho biết: Xã Khánh Lợi hàng năm có khoảng 10 người đi XKLĐ, nhiều gia đình sau khi có con em đi XKLĐ đều có kinh tế phát triển khá, nhiều người biết sử dụng vốn đó phát triển kinh tế sau hết hạn lao động về nước và có cuộc sống ổn định. XKLĐ đối với xã là một trong những giải pháp hiệu quả trong bài toán giảm nghèo.
Đối với huyện Gia Viễn, là đơn vị hàng năm luôn thực hiện 100% kế hoạch giao trong công tác XKLĐ. Bình quân mỗi năm huyện có khoảng 100 người đi xuất khẩu theo chương trình hợp tác quốc tế. Nhiều nhà có con, em đi XKLĐ đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, làm gia trại, trang trại. Nhiều thôn, xóm giàu lên từ XKLĐ, góp phần quan trọng, tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Như gia đình ông Bùi Đức Thịnh, thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa (Gia Viễn) là gia đình làm giàu nhờ xuất khẩu lao động. Sau 3 năm làm việc tại Nga, từ nguồn vốn con gửi về gần 500 triệu đồng, ông Thịnh đầu tư thầu trang trại 2,6 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt là các loại cá truyền thống.
Năm 2017, con trai tiếp tục được đi XKLĐ tại Hàn Quốc, mỗi tháng gửi về 35 triệu đồng mua thức ăn nuôi cá. Bình quân mỗi năm ông Thịnh thu 5-6 tấn cá, lãi khoảng 500-600 triệu đồng/năm.
Đồng chí Hà Giang Nam, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Viễn cho biết: Thời gian đầu phong trào đi XKLĐ tại Malaysia, Đài Loan, Nga được người lao động huyện Gia Viễn lựa chọn, đến nay, người lao động có xu hướng đi Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Tây Âu bởi sức hấp dẫn của các thị trường này là mức lương khá cao.
Tuy nhiên thực tế cho thấy số lượng người tham gia xuất khẩu lao động còn khá thấp so với tiềm năng lao động của tỉnh, hiện tỷ lệ lao động thất nghiệp của tỉnh còn cao, chiếm tới trên 3%. Tại các huyện mỗi năm có khoảng 100 lao động đi xuất khẩu theo kênh chính thống hợp tác hai Nhà nước Hàn Quốc và Nhật Bản.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính là do thiếu vốn nên dẫn tới còn quá ít lao động mặn mà với việc làm ngoài nước khi bỏ vốn cao, rủi ro lớn; công tác tuyên truyền dù được đẩy mạnh qua hình thức tư vấn nhóm tại cộng đồng nhưng cùng với sự phát triển đến mức "nhiễu loạn" của nhiều kênh xuất khẩu, kể cả của doanh nghiệp và tư nhân làm người dân lo lắng về sự thiếu an toàn khi tham gia.
Đồng chí Đỗ Văn Vợi, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết: Hiện nay mỗi năm huyện có khoảng 100 lao động đi XKLĐ, đây chỉ là con số Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội nắm bắt được khi người lao động đến phòng thẩm định, khai báo các hồ sơ thủ tục đi. Còn một số lao động đi qua các kênh khác, không đến với các cơ quan quản lý Nhà nước đăng ký, khai báo nên phòng không nắm hết số lượng thực đi.
Một trong những hạn chế hiện nay là nguồn lao động của tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi thị trường lao động nước ngoài đòi hỏi ngày càng cao và khắt khe về chất lượng lao động. Vì trình độ còn hạn chế nên nhiều lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng lao động, nhất là thị trường lao động có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Cùng với đó, thực trạng khó tìm được việc làm với mức lương tương xứng với lao động sau khi hoàn thành thời hạn XKLĐ trở về nước cũng là một trở ngại ảnh hưởng đến công tác XKLĐ.
Mặt khác, theo Nghị định 61 ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm cho mỗi đối tượng diện hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động chỉ có mức vay tối đa là 50 triệu đồng; còn nếu đối tượng muốn vay trên 50 triệu đồng thì người lao động phải có tài sản thế chấp đảm bảo nên nhiều đối tượng khó đáp ứng được.
Với mức vay đó chỉ đủ cho người lao động đi xuất khẩu qua kênh các nước truyền thống như Trung Đông, Libi mà hiện nay thị trường này người dân không mặn mà dù phí đi thấp kèm theo giá trị thu về cũng thấp khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, lao động làm các công việc thủ công.
Cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu hiện nay của nhân dân là đi các nước có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Tây âu nhưng thị trường này đòi hỏi lao động có tay nghề, chi phí đi lớn khoảng trên 100 triệu đồng/người.
Theo đó, đối tượng trong diện vay vốn theo Nghị định 61 không đủ. Bên cạnh đó, số lao động thuộc hộ gia đình khó khăn, người lao động thuộc 55 xã đặc thù có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ vay vốn nên không đủ điều kiện tài chính để tham gia các chương trình xuất khẩu lao động.
MỞ RỘNG CÁNH CỬA CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Thị trường xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu được phân làm 2 loại: Thị trường lao động xuất khẩu truyền thống gồm các nước Malaysia, Trung Đông. Thị trường này có mức lương trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng, chi phí không quá cao, không đòi hỏi nhiều về trình độ chuyên môn kỹ thuật, phù hợp với lao động Việt Nam. Nhu cầu tiếp nhận lao động các nước này ngày một tăng, tuy nhiên số lao động trong tỉnh tham gia thị trường này còn ít, năm 2015, tỉnh Ninh Bình có 35 lao động đi làm việc tại Malaysia, chiếm 0,48% cả nước; có 4 lao động đi làm việc tại ả-rập Xê-út, chiếm 0,1% cả nước.
Dạy tiếng Nhật tại Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Gia Viễn - Ninh Bình).
Đối với thị trường lao động có thu nhập cao gồm các nước và vùng lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, thị trường này có chi phí tương đối lớn, đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và ngoại ngữ, thu nhập của người lao động tương đối cao (khoảng 12-40 triệu đồng).
Mặc dù là thị trường thu nhập cao, nhưng số lao động trong tỉnh tham gia vào các thị trường này vẫn thấp hơn so với bình quân cả nước: Năm 2015, tỉnh Ninh Bình có 160 lao động làm việc tại thị trường Nhật Bản (chiếm 0,59% của cả nước); 178 lao động làm việc tại thị trường Hàn Quốc (chiếm 2,9%); 442 người đi làm việc tại Đài Loan (chiếm 0,67%). Hiện thị trường XKLĐ mới như các nước EU như Slovakia, Bulgari, Đức... cũng đang được tỉnh ta triển khai.
Trong khi thị trường lao động có quá nhiều cơ hội nhưng sức hút về XKLĐ trên địa bàn tỉnh mấy năm nay khá "tĩnh". Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động Ninh Bình đi xuất khẩu lao động so với cả nước còn thấp, chỉ chiếm khoảng 0,8%, trong khi đó tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao, chiếm 3,06% năm 2016.
Về cung lao động, nhu cầu XKLĐ tăng do số lượng người bước vào độ tuổi lao động hàng năm tăng, bình quân mỗi năm từ 13-14 nghìn người, do đó nhu cầu giải quyết việc làm, nhất là xuất khẩu lao động ngày một tăng.
Để tháo gỡ khó khăn cũng là mở cửa cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao cho nhiều đối tượng, Đề án xuất khẩu lao động tỉnh Ninh Bình hướng tới cho các đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc địa bàn 55 xã có tính chất đặc thù của tỉnh.
Như vậy đối tượng được vay vốn đã mở rộng thêm các đối tượng hộ thuộc địa bàn 55 xã có tính chất đặc thù của tỉnh và tạo thêm cơ hội vay vốn từ ngân sách tỉnh cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu đi XKLĐ.
Theo Đề án xuất khẩu lao động Ninh Bình vừa được HĐND tỉnh thông qua, việc hỗ trợ vay vốn gồm 2 mức: Mức hỗ trợ tối đa đối với thị trường cao cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp là 50 triệu đồng; người lao động thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn 100 triệu đồng/người; người lao động có hộ khẩu thường trú tại 55 xã đặc thù được vay tối đa 50 triệu đồng/người. Mức hỗ trợ vay vốn đi thị trường trung bình 30 triệu đồng/người.
Tổng kinh phí dự kiến của Đề án trong chu kỳ 3 năm (2018-2020) là trên 45,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm dạy nghề "Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" từ những năm trước chuyển sang.
Lao động thuộc Đề án được vay vốn có thời hạn tối đa 36 tháng, lãi suất 6,6%/năm, bình quân mỗi tháng là 0,55%/tháng. Theo Đề án, dự kiến mỗi năm có khoảng 400 người thuộc các đối tượng được hỗ trợ vay đi XKLĐ, kinh phí cho vay 1 năm khoảng 22,1 tỷ đồng.
Theo đồng chí Lã Thị Hồng Yến, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh - đơn vị thực hiện ủy thác các chương trình vốn vay an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh cho biết: Đề án xuất khẩu lao động tỉnh Ninh Bình được HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV thông qua có ý nghĩa rất quan trọng. Đề án khả thi, chính sách cho vay hợp lòng dân, tháo được nút thắt khó khăn trong XKLĐ đó là vốn vay đi XKLĐ.
Từ 1/1/2018, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc địa bàn 55 xã có tính chất đặc thù của tỉnh có thêm nguồn lực tài chính, có cơ hội được XKLĐ.
Về thực hiện Đề án, Ngân hàng sẽ làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia; thực hiện công khai quy trình thủ tục tại xã; phối hợp cùng địa phương, ngành chuyên môn nắm bắt nhu cầu, xây dựng kế hoạch thực hiện cho vay kịp thời, không để đọng vốn, không để sót đối tượng đủ điều kiện có nhu cầu được vay vốn; thực hiện quản lý vốn vay bảo toàn nguồn vốn theo quy định của pháp luật và quy chế quản lý của UBND tỉnh ban hành; phản ánh kịp thời vướng mắc về ban chỉ đạo Đề án.
Bài, ảnh: Hồng Vân