Ngoài ra, thị xã còn có trên 3.400 ha cây ăn quả: Trong đó có 2.200 ha dứa của Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao; 508 ha trồng nhãn, vải sản lượng bình quân 20 - 30 tấn/ha, thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng/ha. Cây chè với thương hiệu "Chè Ba Trại" cũng đang được quan tâm đầu tư. Chè thu lá cung cấp cho thị trường trong tỉnh và tỉnh Nam Định, thu nhập bình quân 40 - 50 triệu đồng/ha; chè lấy búp cũng cho năng suất và thu nhập khá.
Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng rau, quả, chè nói riêng ở thị xã Tam Điệp những năm qua chưa tập trung, quy mô nhỏ và phân tán, chưa quy hoạch vùng. Đặc biệt là chưa có vùng trồng rau, quả, chè an toàn; chủng loại chưa nhiều, chỉ trồng mấy loại rau truyền thống như: Rau muống, rau ngót; một số loại hoa, quả chất lượng thấp, mẫu mã chưa đẹp; thị trường tiêu thụ kém nên bị ép giá; sản phẩm chè lá, chè búp sơ chế tiêu thụ tại chỗ hoặc bán buôn cho các tư thương vận chuyển, tiêu thụ ngoài địa bàn thị xã. Vì vậy, năng suất, sản lượng cây trồng không ổn định
Có một thực tế là thị xã đang hình thành các khu, cụm công nghiệp nên diện tích trồng cây ăn quả, cây chè sẽ bị thu hẹp dần. Đất sỏi, đất thịt nặng, khí hậu tiểu vùng khắc nghiệt; mùa mưa úng lụt, mùa nắng hạn hán; nước tưới tiêu cho cây trồng gặp nhiều khó khăn; sâu bệnh gây hại cũng là nguyên nhân để phát triển các loại cây này. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo đúng mức về thực hiện các quy định sản xuất rau, quả, chè an toàn. Người sản xuất còn mang tính tự phát, theo tập quán.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng rau, quả, chè an toàn ngày càng tăng của nhân dân, thị xã đã đề ra giải pháp, mục tiêu phát triển trong thời gian tới: Đảm bảo đến năm 2010 có 20% diện tích rau, 20% diện tích trồng cây ăn quả, 25% diện tích chè tại các vùng sản xuất an toàn, tập trung, 30% tổng sản phẩm rau, quả và 40% tổng sản phẩm chè tiêu thụ trong thị xã, làm nguyên liệu cho chế biến và cho xuất khẩu là sản phẩm được chứng nhận và công bố sản xuất, chế biến theo quy trình sản xuất an toàn.
Thị xã đã có hướng xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại 2 xã: Xã Yên Sơn 1 ha, xã Đông Sơn 1 ha. Diện tích cây ăn quả 7 ha ở phường Trung Sơn và phường Nam Sơn. Diện tích cây chè thu lá 3 ha tại xã Quang Sơn, chè thu búp 3 ha ở xã Đông Sơn. Tổ chức điểm tiêu thụ rau, quả và chè an toàn trên địa bàn thị xã. Bố trí, sắp xếp địa điểm kinh doanh tại các chợ để đưa sản phẩm rau, quả, chè an toàn đến với người tiêu dùng. Sản phẩm yêu cầu có bao bì, tem nhãn và đạt tiêu chuẩn rau, quả và chè an toàn do các cơ quan chuyên môn kiểm định và xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chè an toàn.
Tiếp thu công nghệ sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn trong nước và thế giới, lựa chọn giới thiệu và hướng dẫn những mô hình phù hợp với nông dân, từng bước thay đổi tập quán trồng rau, quả, chè thông thường sang sản xuất rau, quả, chè an toàn, tạo điều kiện cho người nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để hoàn chỉnh về quy hoạch sản xuất rau, quả, chè an toàn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Lê Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho rằng: Đề án phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn được thực hiện sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo, giá trị sản xuất tăng lên, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người lao động, khai thác hết tiềm năng của địa phương, làm tăng sản phẩm hàng hóa cho xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống, sinh hoạt của nhân dân, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo của thị xã.
Thực hiện Đề án này, thị xã sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất làm theo quy trình kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao tay nghề cho nông dân. Hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, tăng cường sử dụng chất sinh học trong sản xuất, tạo ra khối lượng rau, quả, chè an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng.
Vân Anh