Từ tháng 11/2016, được sự hỗ trợ của Tổng cục Dân số-KHHGĐ trong thực hiện Đề án 818, Ninh Bình đã triển khai tuyên truyền gắn với cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản tại 4 huyện Kim Sơn, Nho Quan, Yên Khánh và Gia Viễn cho 100% cán bộ Trung tâm Dân số -KHHGĐ và 980 cộng tác viên dân số thôn, bản và nhân dân của 44 xã của 4 huyện. Đến năm 2017, Đề án được triển khai thực hiện tại 8/8 huyện, thành phố và 145 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, thời gian qua, việc triển khai Đề án 818 còn một số khó khăn như: Trước năm 2012, Nhà nước hầu như cung cấp miễn phí các phương tiện tránh thai qua các Chương trình mục tiêu Quốc gia, tuy nhiên hiện nay các chương trình mục tiêu quốc gia đã bị cắt giảm, thu gọn đối tượng miễn phí là hộ nghèo, gia đình chính sách nên việc cung cấp và sử dụng biện pháp tránh thai còn nhiều khó khăn, bất cập thay đổi tư duy của người dân đang được cung cấp miễn phí các phương tiện tránh thai trong thời gian dài. Kinh phí cho công tác tuyên truyền về Đề án còn hạn chế.
Để thực hiện thành công Đề án, ngành Dân số đã đề ra các giải pháp đồng bộ chú trọng tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc chia sẻ gánh nặng ngân sách Nhà nước trong chăm sóc sức khỏe sinh sản từ việc sử dụng miễn phí sang tự chi trả tham gia sử dụng các phương tiện tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với điều kiện của từng người, đảm bảo phù hợp với sức khỏe, thuận tiện, chất lượng và an toàn. Chỉ đạo các Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, thành phố lựa chọn các sản phẩm phương tiện tránh thai phù hợp với địa phương, thị hiếu người dân để tư vấn, tiếp thị sản phẩm phù hợp, đem lại lợi ích về sức khỏe sinh sản của nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai. Tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền hỗ trợ kinh phí để tăng cường công tác truyền thông nhằm thay đổi hành vi của người dân trong việc thực hiện dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc truyền thông về sự cần thiết, lợi ích, hiệu quả về thực hiện xã hội hóa phương tiện tránh thai, tạo dư luận đồng tình trong thực hiện Đề án...
Với sự nỗ lực của ngành Dân số, qua hơn 1 năm thực hiện Đề án đã đạt được hiệu quả bước đầu. Hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 75%, tương ứng hàng năm có trên 30 nghìn cặp vợ chồng có nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai. Năm 2017, Ban quản lý Đề án tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung tuyên truyền giới thiệu các sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS vào các lớp cung cấp kiến thức, các hoạt động tuyên truyền về dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Đồng thời phối hợp với Ban Quản lý Đề án 818 Trung ương tổ chức một lớp tập huấn về triển khai mạng lưới và phân phối sản phẩm xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa chăm sóc SKSS; về nâng cao năng lực cho giảng viên của tỉnh. Phối hợp với các đơn vị phân phối sản phẩm, Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện tổ chức 4 lớp tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn cho 812 cán bộ làm công tác dân số các cấp huyện, xã và cộng tác viên thôn, bản về quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động của mô hình xã hội hóa. Tổ chức 60 cuộc cung cấp thông tin, kiến thức, phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS cho 4.268 đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính phải ăn kiêng trên địa bàn 4 huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Yên Mô và Hoa Lư.
Bài, ảnh: Hồng Vân