Cùng với cán bộ của Trạm Thú y huyện Yên Khánh có mặt tại xã Khánh Hải, một trong những đơn vị thường xuyên dẫn đầu toàn huyện về công tác tiêm phòng dịch cho đàn vật nuôi. Những năm gần đây chăn nuôi trên địa bàn xã có sự phát triển cả về quy mô và số lượng với tổng đàn trâu, bò hàng trăm con, lợn 5-6 nghìn con, gia cầm khoảng 40 nghìn con. ở đây đã hình thành nhiều trang trại, gia trại làm ăn hiệu quả.
Bà Đinh Thị Loan, phụ trách thú y xã Khánh Hải cho biết: "Nhiều năm qua, xã không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Điều này là nhờ chính quyền xã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, tạo thành phong trào và ý thức tự giác trong người chăn nuôi".
Gia đình ông Đinh Văn Dương, xóm Hạ, Đông Mai có hơn 1.000 con vịt và 300 con ngan đang độ tuổi sinh sản. Đầu tháng 3, ông đã chủ động đăng ký với cán bộ thú y xã để tiêm phòng vắc-xin. Ngay sau khi nhận được vắc xin, cán bộ thú y xã đã tới tận gia trại của gia đình để tiến hành tiêm phòng cho đàn vịt.
Ông Dương chia sẻ: "Chăn nuôi lâu năm, số lượng đàn lớn nên công tác phòng bệnh là yếu tố sống còn. Đợt tiêm phòng này, gia đình tôi thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin như dịch tả, cúm gia cầm…"
Cùng với Khánh Hải, thực hiện sự chỉ đạo của Trạm Thú y huyện, hơn một tháng nay, các địa phương khác của Yên Khánh cũng đang tập trung chỉ đạo cán bộ thú y, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tiêm phòng vụ xuân hè, tiêm bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời thực hiện phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng tiêu độc môi trường nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Trạm Thú y huyện được biết, ngoài việc sớm tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, triển khai đến các xã, ban, ngành, đoàn thể; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, để chiến dịch tiêm phòng đại trà vụ xuân hè cho đàn gia súc, gia cầm của huyện đạt kết quả cao, Trạm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm, bảo quản vắc xin cho toàn bộ lực lượng Trưởng thú y xã, cộng tác viên thú y thôn.
Nhờ vậy, đến nay toàn huyện đã thực hiện tiêm trên 300 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò (đạt 32% kế hoạch), gần 45 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn (đạt 70% kế hoạch), trên 1.300 liều vắc xin dại chó (đạt 37% kế hoạch) và gần 400 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm (đạt 84% kế hoạch).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi của huyện Yên Khánh cũng đang gặp không ít khó khăn.
Nguyên nhân là do vẫn còn một số cán bộ chuyên môn và chính quyền cơ sở còn lơ là, chưa thực sự vào cuộc với quyết tâm cao.
Một số địa phương thiếu lực lượng cộng tác viên thú y thôn dẫn đến tiến độ tiêm chậm; có địa phương không thực hiện hỗ trợ cho người đi tiêm, ngày công tiêm thấp nên không động viên, khuyến khích được lực lượng tham gia.
Đa phần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa nhận thức rõ vai trò của việc tiêm phòng là tự bảo vệ tài sản của mình, không tự giác khai báo, dẫn đến việc thống kê đàn vật nuôi không chính xác, bỏ lọt gia súc, gia cầm trong diện tiêm.
Thực tế, hầu như chỉ có các hộ chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại mới tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết. Ngoài những lý do chủ quan trên thì còn một nguyên nhân khách quan, bất khả kháng khác là từ đầu đợt tiêm phòng đến nay, thời tiết diễn biến thất thường, nhiều ngày mưa ẩm, âm u gây khó khăn trong công tác triển khai tiêm phòng.
Khó khăn của Yên Khánh cũng đang là khó khăn chung của các huyện, thành phố khác trên địa bàn toàn tỉnh. Được biết, kế hoạch tiêm phòng vắc xin vụ xuân hè cho đàn vật nuôi ở tỉnh ta bắt đầu từ ngày 15-3 và sẽ kết thúc vào 30-4.
Tuy nhiên sau gần 1 tháng triển khai đến ngày 6-4, tỷ lệ tiêm phòng đạt khá thấp, trừ 2 loại vắc xin được tỉnh hỗ trợ kinh phí là vắc xin dịch tả lợn và vắc xin cúm gia cầm tỷ lệ tiêm đạt trên dưới 50%. Còn lại các vắc xin khác như lở mồm long móng mới đạt gần 10%, vắc xin tụ huyết trùng đạt 26%...
Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, để đảm bảo kế hoạch tiêm phòng, trong thời điểm này, chúng tôi đã cắt cử cán bộ phụ trách cùng với cán bộ trạm thú y sâu sát xuống tất cả các xã, thị trấn, đồng thời đề nghị các địa phương phải huy động mọi lực lượng, nguồn lực để hỗ trợ công tác tiêm phòng.
Đặc biệt, yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã nâng cao ý thức của người chăn nuôi về công tác phòng, chống dịch bệnh, phối hợp với cán bộ thú y làm tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ chăn nuôi.
Bài, ảnh: Hà Phương