Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Hoa Lư có tổng cộng 33 nghìn con gia cầm trong diện phải tiêm phòng bắt buộc, nhưng tính đến ngày 9-4, mới chỉ có 23% số gia cầm này được tiêm phòng. Tương tự, tiến độ tiêm phòng trên đàn lợn cũng khá chậm, mới chỉ có 16% số lợn được tiêm vắc xin tả; các vắc xin khác như tụ dấu, phó thương hàn thì hầu như chưa triển khai. Ngoài ra, hơn 1 nghìn con trâu bò trên địa bàn cũng chưa được tiêm phòng các vắc xin bắt buộc như tụ huyết trùng, lở mồm, long móng (LMLM). Riêng chỉ có vắc xin dại cho đàn chó là được huyện triển khai đồng loạt và quyết liệt hơn nên tỷ lệ đạt trên 83%. Đồng chí Phạm Thị Hoàng Yến, Trạm phó Trạm Thú y huyện Hoa lư cho biết: do thời gian qua trên địa bàn huyện xuất hiện trường hợp chó chết không rõ nguyên nhân với những biểu hiện triệu chứng điên loạn, thần kinh trước khi chết nên chúng tôi phải đôn đốc dốc toàn bộ lực lượng ưu tiên tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó trước. Vì vậy, việc tổ chức tiêm phòng vắc xin các loại dịch bệnh khác bị chậm trễ, dẫn đến tỷ lệ tiêm đạt thấp. Cùng với đó là các nguyên nhân khách quan khác như: công tiêm thấp nên không huy động được lực lượng cộng tác viên tham gia, một mình cán bộ thú y xã đảm nhiệm việc tiêm phòng cho toàn xã nên đã kéo dài thời gian tiêm. Bên cạnh đó, hiện nay đang là mùa du lịch nên tại một số xã như Ninh Xuân, Trường Yên, Ninh Hòa việc triển khai tiêm phòng gặp khó khăn do chủ hộ đi vắng.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin đợt 1 cho gia súc, gia cầm trong những ngày còn lại, huyện Hoa Lư đang tiếp tục theo dõi sát sao và chỉ đạo quyết liệt xuống từng địa phương, khắc phục tình trạng một số xã triển khai thực hiện chưa nghiêm, chưa triệt để. Tăng cường tuyên truyền hàng ngày trên hệ thống loa truyền thanh của xã để người dân nâng cao nhận thức về tác hại của dịch bệnh cũng như tác dụng của việc tiêm phòng để chủ động phối hợp thực hiện. Yêu cầu thú y các xã rà soát lại để tổ chức tiêm vét, tiêm phòng bổ sung, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% trong diện phải tiêm.
Kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm vụ xuân hè của tỉnh được triển khai từ ngày 15-3 đến 30-4-2015. Yêu cầu đặt ra là tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh thực hiện tổ chức triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao (ít nhất trên 80% tổng số gia súc, gia cầm trong diện tiêm). Đối với bệnh LMLM ở gia súc sẽ tập trung tiêm phòng tại những nơi có ổ dịch cũ hoặc nơi có nguy cơ phát bệnh cao và trong vùng đệm của chương trình khống chế và thanh toán bệnh LMLM. Vắc xin tai xanh, chú trọng tiêm phòng cho đàn lợn nái và lợn đực giống. Đối với vắc xin cúm gia cầm tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà, ngan, ngỗng; khi có ổ dịch xảy ra tổ chức tiêm bao vây cho tất cả gia cầm tại xã có dịch và các xã xung quanh.
Ngoài ra, còn tiến hành tiêm phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu, phó thương hàn cho đàn lợn ở độ tuổi tiêm phòng… Mặc dù kế hoạch này đã được UBND tỉnh phê duyệt và giao cho các địa phương từ rất sớm, tuy nhiên, đến thời điểm này tiến độ triển khai của các địa phương khá chậm. Thống kê mới nhất của Chi cục Thú y cho thấy: tỷ lệ tiêm vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò mới đạt xấp xỉ 23%, vắc xin tụ huyết trùng là 25%; đặc biệt tỷ lệ tiêm tụ dấu lợn và phó thương hàn đạt rất thấp, chưa tới 16% kế hoạch. Riêng vắc xin cúm gia cầm và bệnh dại chó được nhiều địa phương ưu tiên triển khai trước nhưng đến nay tỷ lệ cũng chỉ đạt lần lượt 65% và 45%. Một số địa phương đạt kết quả tiêm phòng thấp như: thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, Gia Viễn.
Theo ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh, tiến độ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm chậm là do một số nơi chính quyền địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo thiếu quyết liệt. Bên cạnh đó, nhận thức của người chăn nuôi chưa cao, vẫn còn tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của mình, nhiều hộ không muốn bỏ tiền túi ra mua vắc-xin mà đang mong chờ từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tiêm phòng thấp cũng là một yếu tố khiến các cộng tác viên, cán bộ thú y thiếu nhiệt tình, làm chiếu lệ khi triển khai tiêm phòng.
Thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và đây cũng là thời điểm vật nuôi hết thời gian miễn dịch, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Do vậy thời gian tới, các ngành chuyên môn cùng với chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh đến người chăn nuôi; chủ động khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin các loại dịch bệnh khác cho gia súc, gia cầm vụ xuân 2015 đảm bảo yêu cầu.
Hà Phương