Ông Lê Minh Trị, Trưởng Ban quản lý Dự án Xây dựng Đô thị thành phố Ninh Bình cho biết: Quy hoạch quảng trường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 926/QĐ-UBND ngày 19-8-2009 với tổng mức đầu tư là 1.543 tỷ đồng. Việc triển khai tổ chức thực hiện dự án đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Nhà nước. Đến nay đã hoàn thành được một số hạng mục như đường hầm qua quảng trường với khối lượng xây lắp đạt 95%. Sau hơn 10 tháng thi công, cuối tháng 6-2014, đường hầm đã được thông xe kỹ thuật. Là một hạng mục nằm trong dự án Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, đường hầm trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình có tổng chiều dài 780 m trong đó hầm kín là 320m, hầm hở mỗi phía dài 110m, tường chắn mỗi phía dài 40m, tĩnh không 4,75m, quy mô mặt đường 4 làn xe chạy qua, dải phân cách giữa 1,5m…, tổng dự toán đường hầm 567 tỷ đồng . Đây là đường hầm đầu tiên và cũng là hiện đại nhất ở Ninh Bình hiện nay với kết cấu hầm kín bê tông cốt thép.
Trong quá trình thi công, mặc dù gặp nhiều khó khăn như thời tiết diễn biến thất thường, toàn bộ hệ thống điện, nước phải di dời sang khu vực khác đặc biệt là việc xử lý đảm bảo kết cấu móng, cọc hầm rất phức tạp nhưng với sự nỗ lực cố gắng của chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị thi công, đường hầm trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng hoàn thành trước kế hoạch đề ra, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng. Đường hầm được đưa vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông khi tránh cho xe cơ giới chạy tắt qua quảng trường, hoàn thiện các chức năng của khu quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế theo đích mục đích yêu câu đề ra mà còn góp phần giới thiệu những thành tựu của Ninh Bình trong phát triển kinh tế và hội nhập.
Đối với các hạng mục khác trong dự án đang được chủ đầu tư và nhà thầu đôn đốc thi công gấp rút. Toàn bộ sân quảng trường chia dạng ô bàn cờ, gồm 384 ô trồng cỏ, lát đá với hình tượng hoa sen (Quốc hoa, biểu tượng của văn hóa Việt Nam) ở tâm. Đường đi bộ chính rộng 30 m lát đá, gồm 4 trục chạy giữa và hướng tâm vào ô lớn lát đá có thể phát quang màu ngọc khi có đèn chiếu từ dưới lên. Đường nội bộ giữa các ô trồng cỏ, lát đá. Dọc hai bên quảng trường trồng cây xanh tán lớn, chiều cao cây từ 15-20 m nối tiếp với khu tượng đài để che bóng mát tạo không gian mở cho toàn bộ khu quảng trường. Sân sinh hoạt văn hóa cộng đồng được lát đá tự nhiên có khu vực giữa sân diện tích gần 12 nghìn m2.
Khu kế tiếp hai bên là hệ thống các ô được lát đá, xen kẽ các ô là mạch cỏ tre, phần tiếp giáp các khu vực trên là hệ thống các ô được lát đá giả cổ, tại giữa các ô trống rộng để trồng cây xanh. Khu đất dự trữ dọc tuyến đường Đinh Tiên Hoàng được bố trí hệ thống tiểu cảnh đường dạo phù hợp với cảnh quan chung. Mặt đường dạo được lát đá xanh xen kẽ giữa các ô trồng cỏ tre. Về phần khu dịch vụ và bãi đỗ xe được dành một phần đất (chứa khoảng 300 xe) được che chắn bởi đồi nhân tạo phía sau tượng đài. Phần cổng ra vào và hệ thống rào bao quanh thiết kế mô phỏng kinh thành Hoa Lư, mang phong cách kiến trúc thời hậu Bắc thuộc, nhằm tôn vinh, tái hiện hình ảnh cố đô hào hùng của thời đại Đinh Tiên Hoàng đế. Phần cây xanh vỉa hè và dải phân cách đường giao thông được thiết kế trồng bồn cây vỉa hè cùng với bồn cây dải phân cách, khu bãi đỗ xe và khu tượng đài trồng sấu và nhiều hàng cau vua.
Chúng tôi có mặt tại đây vào một ngày cuối tháng 12-2014, quảng trường như một công trường lớn với tiếng máy ầm, ì…của xe chở đất, chở đá; hàng chục cỗ máy san, lấp, ủi, đầm, nền … theo từng khuôn, ô đất. Ông Trưởng Ban quản lý Dự án Xây dựng Đô thị thành phố Ninh Bình cũng cho biết: Hàng ngày, Ban quản lý Dự án phải huy động 10 cán bộ kỹ sư giám sát quản lý và tư vấn thiết kế cùng với nhà thầu thi công tại hiện trường. Theo tiến độ, khối lượng san lấp công trình hiện đã đạt khoảng 60% kế hoạch. Từ nay đến 20-1- 2015, khu sân quảng trường sẽ phải xong để kịp đón Bằng công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới và là điểm để nhân dân vui chơi đón Tết cổ truyền dân tộc.
Được biết, Dự án xây dựng Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế tại trung tâm thành phố Ninh Bình là một trong các dự án sử dụng nguồn Ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của dự án là chậm so với dự kiến ban đầu, do một số nguyên nhân được xác định: Do việc lập quy hoạch, lập dự án và thiết kế bản vẽ thi công phải hoàn thành trong thời gian ngắn để kịp tiến độ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều điểm chưa hợp lý, cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, cảnh quan khu vực và đảm bảo tính lâu dài của công trình để phù hợp với định hướng phát triển của thành phố Ninh Bình trong tương lai.
Phần nữa là, do gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng vì phải thực hiện bồi thường, bố trí tái định cư cho các hộ dân. Sau khi Quy hoạch chi tiết được phê duyệt điều chỉnh, dự kiến năm 2014 sẽ hoàn thành giai đoạn I của Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế (từ Quốc lộ 1A đến đường Tôn Đức Thắng); Giai đoạn II (từ đường Tôn Đức Thắng ra phía sông Đáy) sẽ hoàn thành vào các năm tiếp theo, về kinh phí thực hiện giai đoạn 2 sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa để triển khai, không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Nguyễn Minh