Tại Nho Quan, với đặc thù là một huyện miền núi, lại có diện tích lúa ngoài đê lớn nên ở đây thường cấy sớm hơn những nơi khác. Trên cánh đồng ven sông thuộc xã Lạng Phong lúa đã lên xanh. Tranh thủ phun nốt bình thuốc cỏ cho thửa ruộng lúa mới sạ, anh Vũ Văn Vụ cho biết: Vụ lúa xuân năm nay gia đình anh thầu 5 mẫu lúa ngoài đê, vì vậy phải gieo sớm để thu hoạch trước khi lũ tiểu mãn về. Để đảm bảo gieo cấy xong trong tháng 12-2010, anh đã phải huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình, đồng thời thuê thêm 3 nhân công nữa mới làm gọn được 5 mẫu đất. Điều thuận lợi là 2 năm nay gia đình không phải cấy thủ công như trước mà dùng máy sạ hàng nên cũng đỡ vất vả. Anh cho biết thêm: Cấy lúa ngoài đê tuy có khó khăn trong khâu làm đất, điều tiết nước nước, nhưng lúa ở đây lại tốt hơn trong đồng, ít sâu bệnh, vụ trước gia đình anh thu gần 10 tấn lúa, giá bán cao nên gia đình phấn khởi lắm và đang quyết tâm đầu tư cho vụ sản xuất đông xuân 2011.
Bên cạnh những cánh đồng gieo cấy sớm như ở Lạng Phong, nhiều nơi khác ở Nho Quan không khí chuẩn bị cho vụ đông xuân cũng đã rất nhộn nhịp. Từ sáng sớm bà con đã hối hả lao động, vừa hoành triệt bờ vùng, bờ thửa, vừa cày lật đất, một số khu chân mạ. Có xã người dân bảo nhau làm nên chỉ trong vòng 1 ngày là gieo xong toàn bộ diện tích mạ, nilon chống rét phủ trắng cánh đồng.
Đồng chí Trần Văn Dưỡng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu sản lượng lương thực năm 2011, vụ đông xuân năm 2011 huyện Nho Quan phấn đấu gieo cấy 7.000 ha lúa. Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ sản xuất, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân về việc lựa chọn cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ, các biện pháp phòng, chống rét cho mạ, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật gieo sạ bằng giàn kéo tay... Đồng thời huyện cũng đặc biệt chú trọng đến công tác thủy lợi nội đồng, tích trữ nước, chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.
Từ cuối tháng 10-2010, huyện đã ra quân thực hiện chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương đặc biệt là kênh tưới, khối lượng thực hiện trên 50.000 m3. Ngoài ra, các HTX còn chủ động chuẩn bị hệ thống máy bơm để tận dụng nguồn nước sông cũng như các ao hồ trên địa bàn đảm bảo đủ nước gieo mạ, cấy lúa và dưỡng lúa. Hiện tại, việc làm đất cũng đang được tiến hành khẩn trương, toàn huyện đã làm được 1.500 ha đất, gieo mạ 50 ha (tập trung ở các xã Gia Thủy, Gia Lâm, Lạc Vân, Lạng Phong, Văn Phú...).
Đối với "vựa lúa" Kim Sơn, tuy rằng những năm gần đây, huyện đẩy mạnh sản xuất vụ đông với quyết tâm "không để cho đất nghỉ", nhưng trong cơ cấu mùa vụ, vụ đông xuân vẫn được xác định là vụ sản xuất quan trọng. Hòa chung khí thế xuống đồng của nông dân toàn tỉnh, nông dân huyện Kim Sơn đang khẩn trương thu hoạch diện tích cây vụ đông, phát động làm thủy lợi nội đồng, cày đất phơi ải, vệ sinh đồng ruộng. Năm nay có khả năng sẽ xảy ra hạn hán trên diện rộng nên UBND huyện đang chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các biện pháp chống hạn. Đẩy mạnh công tác làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, khơi thông cửa cống, cửa lấy nước vào trạm bơm tưới, nạo vét các trục kênh. Với mục tiêu toàn tỉnh gieo cấy trên 40.000 ha lúa đông xuân, đến nay các địa phương đã làm đất được 15.015 ha, cơ bản hoàn thành việc gieo mạ trà xuân sớm và đang tiến hành gieo mạ trà xuân muộn, đồng thời công tác làm thủy lợi nội đồng cũng đang được gấp rút hoàn tất. Tất cả đã sẵn sàng. Có thể thấy các địa phương đều quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ đông xuân 2011.
Nguyễn Lựu