Công tác giải ngân đạt cao
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 tỉnh Ninh Bình được giao là 5.434,236 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương đầu tư theo các chương trình mục tiêu: 596,869 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 221,635 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) là 235,8 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương là 4.379,932 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn đầu tư công được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2020do tỉnh Ninh Bình quản lý là 892,369 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ là 380,917 tỷ đồng.
Để thực hiện và đẩy nhanh tiến độ công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, công tác giao và thông báo kế hoạch vốn đầu tư công cho các đơn vị cấp dưới được triển khai kịp thời, theo đúng các quyết định, thông báo của cấp có thẩm quyền, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, các chủ đầu tư đã tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải quyết các khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành. Qua đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 8, tổng số vốn giải ngân đạt 3.731,870 tỷ đồng, bằng 58,99% kế hoạch vốn. Trong đó, đối với vốn kế hoạch năm 2020, số vốn giải ngân đạt 3.494,988 tỷ đồng, bằng 64,31% kế hoạch vốn. Đối với vốn được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2020, số vốn giải ngân đạt 236,882 tỷ đồng, bằng 26,55% kế hoạch vốn kéo dài.
Tập trung giải quyết những khó khăn vướng mắc
Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực, song tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một số nguồn vốn như vốn ngân sách cấp tỉnh, vốn ODA và một số dự án có mức vốn lớn còn thấp. Theo đánh giá của các cơ quan liên quan, nguyên nhân chính là do tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư; phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh dự án của một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, khó khăn trong công tác GPMB, phạm vi thực hiện dự án đi qua khu vực đất quốc phòng, đất rừng đặc dụng, đất tôn giáo tín ngưỡng… với tính chất rất phức tạp, do vậy chưa bàn giao được mặt bằng cho đơn vị thi công nên không có khối lượng để nghiệm thu giải ngân kế hoạch vốn. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Bình đã tích cực, chủ động chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để thực hiện chuyển sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Đặc biệt, nguồn vốn nước ngoài (ODA) có tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 8 chỉ đạt 38,88%, nguyên nhân là một số dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, quy trình đầu tư, trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của dự án hoặc đang trong quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng nên khối lượng nghiệm thu chưa nhiều. Mặt khác, thủ tục đầu tư của nhiều dự án phức tạp, theo quy trình phải xin ý kiến đồng thuận, không phản đối từ cơ quan chủ quản dự án, nhà tài trợ nhiều lần, ở tất cả các khâu đã làm kéo dài quá trình thực hiện.
Đồng thời, quy trình giải ngân, thanh toán chặt chẽ, thực hiện qua nhiều bước nên việc giải ngân vốn ODA thường được thực hiện vào các tháng cuối năm (Quý IV) khi mà khối lượng thực hiện được nhiều nhất, giải ngân một lần cho kế hoạch vốn cả năm. Hiện tại, các dự án được giao vốn đều đang khẩn trương tiến hành nghiệm thu, lập hồ sơ chứng từ để đề nghị giải ngân vốn ODA.
Để công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt theo đúng kế hoạch đề ra góp phần thúc đẩy nền kinh tế sau dịch COVID-19 phục hồi, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung hoàn tất thủ tục đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án; giải quyết các khó khăn vướng mắc, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… qua đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu và thanh toán giải ngân nguồn vốn đầu tư công của các công trình dự án kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo quy định về phòng, chống dịch.
Cùng với đó, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công từ các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân cao. UBND tỉnh cũng thành lập tổ công tác của tỉnh để trực tiếp, đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công của các công trình, dự án địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm- Anh Tuấn