Ngành điện đã tiếp nhận khối lượng đường dây do các tổ chức bán lẻ điện bàn giao là 289,3 km, giá trị tài sản đã tiếp nhận là 17,8 tỷ đồng.
Trao đổi với với chúng tôi, lãnh đạo Sở công thương cho biết: Thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành hai quyết định: Quyết định số 2651/QĐ-UB ngày 28/10/2004 và Quyết định số 1355/QĐ-UBND ngày 28/6/2006 phê duyệt đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và tổ chức bán lẻ tới hộ sử dụng điện tại các địa bàn huyện Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, Thị xã Tam Điệp, Kim Sơn, Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh và Nho Quan; đồng thời thành lập Hội đồng định giá LĐHANT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Việc thực hiện bàn giao LĐHANT được thực hiện theo nguyên tắc bên giao và bên nhận thỏa thuận tự nguyện bàn giao, theo Điện lực Ninh bình sau khi tiếp nhận đã bố trí nguồn vốn tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống đường dây, trạm biến áp vì vậy cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng điện trên địa bàn phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh và điện sinh hoạt cho người dân ở khu vực nông thôn.
Thực hiện công văn số 10074/BCT-ĐTĐL ngày 22/10/2008 của Bộ Công Thương, năm 2009 và 2010, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện tổ chức kiểm tra rà soát hoạt động của tất cả các tổ chức bán lẻ điện nông thôn trên địa bàn. Kết quả kiểm tra trên 80 đơn vị thì thấy còn nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Điện lực và thiếu các điều kiện để thực hiện giá bán điện mới của Chính phủ thực hiện từ năm 2009. Sở Công Thương đã phối hợp với các huyện rà soát đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương bàn giao đối với các tổ chức bán lẻ điện nông thôn không có giấy phép hoạt động điện lực và thiếu nhiều điều kiện hoạt động. Sau 3 năm thực hiện Điện lực Ninh Bình đã tổ chức tiếp nhận LĐHANT của trên 30 tổ chức bán lẻ điện nông thôn theo nguyên tắc hai bên tự thỏa thuận bàn giao theo hình thức tăng giảm vốn, không hoàn trả vốn.
Đến thời điểm 30/6/2011 trên địa bàn tỉnh có 43 tổ chức bán lẻ điện nông thôn; trong đó có 6 tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn đã thống nhất với Công ty Điện lực Ninh Bình triển khai công tác bàn giao, đang kiểm đếm tài sản lưới điện, hoàn thiện hồ sơ giao, nhận để trình Hội đồng định giá tài sản LĐHANT của tỉnh thẩm định, Còn 37 tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn đang hoạt động tại 28 xã, thị trấn. Qua kiểm tra cho thấy một số tổ chức đã tích cực và hoàn thiện một số điều kiện, đầu tư nâng cấp hệ thống đường dây hạ tỷ lệ tổn thất điện năng xuống dưới 10%, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trên địa bàn còn nhiều tổ chức bán lẻ điện nông thôn không có năng lực tài chính, chưa đầu tư nâng cấp đường dây, tỷ lệ tổn thất điện năng cao trên 20% và còn thiếu điều kiện hoạt động như cán bộ kỹ thuật chưa có bằng trung cấp chuyên ngành điện, sổ sách chứng từ kế toán chưa đúng quy định, chưa kiểm định hết công tơ, chưa nộp thuế cho Nhà nước...
Để thực hiện tốt Thông tư số 05 về thực hiện giá bán điện năm 2011 và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc bàn giao LĐHANT đối với các tổ chức bán lẻ nông thôn không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, trong thời gian tới ngành Sở Công Thương tiếp tục xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp danh sách các tổ chức bán lẻ điện nông thôn không đủ điều kiện hoạt động báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương bàn giao, thời gian hoàn thành chậm nhất vào 31/12/2011. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, UBND các huyện, xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt quy trình bàn giao LĐHANT, tránh xảy ra khiếu kiện sau khi bàn giao. Xây dựng kế hoạch và bố trí vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn tại các đơn vị đã tiếp nhận, nhằm cải thiện chất lượng điện năng, đảm bảo an toàn trong vận hành và cung cấp đủ nhu cầu về điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và đặc biệt lưới điện đáp ứng các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trước mắt ưu tiên các xã nằm trong danh sách 25 xã được lựa chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh.
Thanh Chiên