Hội Người khuyết tật tỉnh hiện có trên 1.000 hội viên. Tuy nhiên, trong tổng số hội viên mới chỉ có gần 200 hội viên được đào tạo nghề. Việc dạy nghề cho người khuyết tật ở các địa phương đều gặp khó khăn. Theo ông Hà Giang Nam, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Viễn, toàn huyện chỉ có dưới 10% người khuyết tật trong độ tuổi lao động là đã qua đào tạo nghề. Thậm chí, vài năm trở lại đây, huyện chưa tổ chức được một lớp dạy nghề nào cho người khuyết tật. Không có nghề và việc làm nên hầu hết người khuyết tật sống dựa vào gia đình, do vậy, phần lớn hộ gia đình có người khuyết tật có mức sống thấp. Theo ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh, sở dĩ chưa có nhiều người khuyết tật tham gia học nghề là do nhận thức của người khuyết tật về vai trò, tác dụng của việc học nghề còn hạn chế. Phần lớn người khuyết tật có tâm lý mặc cảm, tự ti và sống dựa vào sự hỗ trợ của gia đình. Mặt khác, trình độ học vấn của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh còn thấp. Theo thống kê, mới chỉ có gần 10% người khuyết tật có trình độ THPT, 30% người khuyết tật có trình độ THCS, còn lại là người khuyết tật có trình độ tiểu học, thậm chí mù chữ. Bởi vậy, việc lựa chọn nghề học phù hợp với trình độ, sức khỏe của người khuyết tật cũng rất khó khăn. Trong khi đó, theo quy định, những nghề lựa chọn dạy cho người khuyết tật cũng nằm trong danh mục nghề chung của lao động nông thôn. Hiện nay, trong danh mục nghề chỉ có nghề thủ công mỹ nghệ là phù hợp hơn với người khuyết tật.
Một khó khăn nữa trong công tác dạy nghề cho người khuyết tật hiện nay là do trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở dạy nghề, dạy chữ chính quy chuyên nghiệp thuộc hệ thống của Nhà nước dành riêng cho người khuyết tật, còn thiếu các cơ sở đảm bảo vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho người khuyết tật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật còn yếu và thiếu nghiêm trọng. "Người khuyết tật không như những đối tượng khác. Với những người khuyết tật vận động, họ rất khó khăn trong việc đi lại. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giao thông, trong khi đó theo quy định của học nghề thì người học nghề phải học tập trung. Đây là một trở ngại đối với người khuyết tật mặc dù trước mỗi khóa học, cán bộ Hội dành khá nhiều thời gian xuống tận địa phương để xác định và nắm bắt nhu cầu, đồng thời phổ biến chính sách về đào tạo nghề đến từng hộ dân có người khuyết tật, làm công tác tư tưởng để vận động những người khuyết tật còn khả năng lao động."- ông Phạm Hữu Chính khẳng định.
Một nguyên nhân quan trọng nữa ảnh hưởng đến công tác dạy nghề cho người khuyết tật đó chính là những khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật sau khi học nghề. Trong tổng số gần 200 hội viên đã học nghề của Hội Người khuyết tật tỉnh, chỉ có rất ít người tìm được việc làm từ các doanh nghiệp mà chủ yếu tự tạo việc làm tại gia đình. Cũng theo ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh, đào tạo nghề cho người khuyết tật phải đi đôi với việc tạo công ăn việc làm cho họ, nghĩa là các trung tâm đào tạo nghề phải liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu về lao động. Trong khi đó, việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động, song chỉ rất ít trong số đó đồng ý liên kết đào tạo nghề cho lao động là người khuyết tật.
Doanh nghiệp tư nhân Thành Hóa (huyện Yên Khánh) là một trong số ít doanh nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật. Đại diện doanh nghiệp cho biết, sở dĩ các doanh nghiệp còn e ngại nhận người khuyết tật vào làm việc là do phần lớn người khuyết tật có trình độ văn hóa thấp, thậm chí còn mù chữ, chưa có tay nghề hoặc có nhưng chưa phù hợp. Họ lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển, giao tiếp, chưa tiếp cận với trang thiết bị nơi làm việc… Do đó, thời gian để đào tạo một lao động khuyết tật lành nghề dài hơn nhiều so với lao động bình thường. Hơn nữa, nếu tuyển lao động là người khuyết tật thì doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng nhà xưởng, bố trí nơi ăn, ở, điều kiện làm việc phù hợp với thể trạng của người khuyết tật…
Trong khi đó, các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng chưa đủ để "hấp dẫn" doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật. Trước đây, để được hưởng các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất phù hợp với người khuyết tật thì doanh nghiệp phải có 51% lao động là người khuyết tật. Theo Luật Người khuyết tật năm 2011, doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi như: đất đai, kinh phí cải tạo phương tiện, nhà vệ sinh và hệ thống đi lại phù hợp với người khuyết tật nếu doanh nghiệp sử dụng 30% lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, mặc dù đã hạ tỷ lệ sử dụng lao động là người khuyết tật từ 51% xuống còn 30% nhưng trên thực tế vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, ngay cả khi hạ tỷ lệ sử dụng lao động là người khuyết tật xuống còn 30% để đạt được "chuẩn" này cũng rất khó, bởi phần lớn doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, sử dụng lao động ít. Trong khi đó, không phải công đoạn sản xuất nào người khuyết tật cũng có thể đảm đương được…
Mặt khác, trên thực tế hệ thống chính sách về người khuyết tật chưa đi vào cuộc sống một cách đồng bộ, rộng khắp. Bộ luật Lao động sửa đổi có nhiều điều khoản ưu tiên lao động khuyết tật như bố trí công việc phù hợp dựa trên tính chất, thể trạng, khả năng lao động… Nhưng do chưa có chế tài, cơ chế giám sát thỏa đáng nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động khuyết tật nên nhiều doanh nghiệp thiếu sự quan tâm đến lao động khuyết tật. Còn theo quy định tại khoản 3, điều 125 của Bộ luật Lao động nêu rõ: Các doanh nghiệp có trách nhiệm nhận từ 2-3% lao động là người khuyết tật, nếu không nhận đủ, sẽ phải nộp vào Quỹ việc làm của người khuyết tật. Song, quy định này thiếu tính khả thi vì hàng loạt vướng mắc như không có chế tài, quản lý tài chính ra sao, nhân lực quản lý, ai đưa người khuyết tật vào doanh nghiệp và giám sát doanh nghiệp thực hiện quy định… nên trên thực tế, mặc dù số doanh nghiệp nhận người khuyết tật mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, song Quỹ việc làm cũng gần như…trống trơn.
Giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống, được học nghề, tạo việc làm là một trong những biện pháp quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo, đồng thời mở ra hy vọng về một cuộc sống ổn định cho người khuyết tật và là cách duy nhất giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, tỉnh ta cần tiếp tục quan tâm hơn nữa và có những điều chỉnh hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học và cả các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật.
Đào Hằng