Chúng tôi có mặt tại buổi học đầu tiên của lớp học nghề xây dựng dân dụng được tổ chức tại trường Cao đẳng nghề Cơ điện, Xây dựng Việt Xô dành cho những học viên đặc biệt- đó là những người mới chấp hành xong án tù có hộ khẩu trên địa bàn thành phố Tam Điệp. Nhìn các học viên say sưa với lời giảng của giáo viên, rồi nhanh nhẹn tay bút, tay sách ghi lại những kiến thức cần nhớ, ai nghĩ rằng đó là những đối tượng từng "làm mưa làm gió" gây nhiều tội lỗi. Có những học viên, hẳn là đã quá lâu rồi không cầm cây bút, vậy nên nét chữ run run, ngoằn ngòeo, ấy vậy mà ai cũng say mê, háo hức.
Tranh thủ giờ ra chơi, chúng tôi trò chuyện với Nguyễn Anh T. một trong những học viên ít tuổi nhất lớp. T. sinh năm 1992 quê ở phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp. Bằng ánh mắt đượm buồn, T. kể cho chúng tôi nghe về một thời lầm lỡ của mình. "Bố mẹ đi làm ăn xa để kiếm tiền cho em ăn học, nhưng em lại sớm theo lũ bạn xấu đua đòi ăn chơi. Vậy nên em chưa học xong lớp 9 đâu. Để có tiền tiêu xài cho những lần ăn chơi thâu đêm, em chẳng từ việc gì. Vài lần trộm cắp trót lọt càng khiến em thấy việc kiếm tiền… đơn giản. Vậy là cứ ngày càng sa đà vào con đường tội lỗi, cho đến ngày em bị bắt và bị kết án tù. Vào tù rồi, được các giám thị giác ngộ, em hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và không ngừng phấn đấu để nhanh chóng được ra tù, làm lại cuộc đời vì mình còn quá trẻ. Nỗ lực đó của em được ghi nhận, và vừa qua em đã được trả tự do. Trở về với cuộc sống với bao bỡ ngỡ, bao nhiêu điều phải lo toan, song điều mà có lẽ không chỉ riêng em đau đáu nhất, đó là làm gì để có một cuộc sống lương thiện? Và em đã được tham gia vào lớp học nghề Xây dựng dân dụng do Công an tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Xây dựng Việt Xô tổ chức.
Cao tuổi nhất lớp là học viên Đỗ Ngọc L. ở phường Nam Sơn. Năm nay đã 56 tuổi nhưng là lần đầu tiên ông được học nghề. Ông L. bảo, bao nhiêu năm "vào tù, ra tội", ông chẳng bao giờ nghĩ mình có thể bắt đầu lại và cũng chẳng biết bắt đầu lại từ đâu. Cũng vì ông nghiện ngập, trộm cắp mà cuộc đời của bố mẹ ông chưa có một ngày vui. Ông cứ sống cuộc đời vô nghĩa như vậy cho đến khi mẹ ông qua đời. Ngày mẹ ông qua đời, ông còn đang bận "bóc lịch". Những ngày sau đó, ông suy nghĩ nhiều hơn về bản thân mình và muốn bắt đầu lại dù rằng chặng đường ấy sẽ có quá nhiều gian nan. Mãn hạn tù do cải tạo tốt, ông hăm hở hòa nhập với cộng đồng. Nhưng thực sự thì ông gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc do không có nghề, lại có án tích… dù vậy, ông vẫn quyết tâm hoàn lương. Vừa qua ông được là 1 trong 25 người mãn hạn tù trên địa bàn thành phố Tam Điệp được tham gia lớp học nghề xây dựng dân dụng. Ông L cho biết: Đây là lớp dạy nghề có rất nhiều ý nghĩa với chúng tôi, tạo cơ hội được học nghề, tìm việc làm, giúp chúng tôi có thêm niềm tin, động lực và định hướng đúng trong cuộc sống.
Đến thời điểm tháng 9-2016 trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 người được đặc xá, tha tù về địa phương chưa được xóa án tích. Đa phần số người chấp hành xong án phạt tù do bị cách ly khỏi xã hội trong thời gian nhất định nên khi trở về đời sống xã hội gặp nhiều khó khăn, phần lớn có thái độ tự ti, mặc cảm, không có nghề và việc làm ổn định, số còn lại chủ yếu làm nông nghiệp và các nghề tự do cá thể, người có tay nghề đã qua đào tạo cơ bản làm việc trong các cơ sở kinh tế chiếm tỷ lệ thấp.
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công an, sự lãnh đạo toàn diện, có hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và vai trò tham mưu tích cực của lực lượng Công an, sự tham gia phối kết hợp có hiệu quả của các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, việc triển khai thực hiện Nghị định số 80/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù" trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quá trình triển khai thực hiện, các ngành, các cấp, các đơn vị đã lồng ghép công tác quản lý, giáo dục, giám sát người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá chưa được xóa án tích vào nội dung công tác xây dựng Phong trào toàn dân Bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đã xây dựng được nhiều mô hình, cá nhân điển hình với những biện pháp, hình thức, cách làm khác nhau, và đạt kết quả nhất định, từng bước tạo chuyển biến rõ nét nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với công tác quản lý, giáo dục, giám sát người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều đơn vị, địa phương, ban, ngành, đoàn thể, các gia đình đã có cách làm sáng tạo, xây dựng được nhiều mô hình mới giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù đạt hiệu quả rất cao, trở thành những gương tiêu biểu xứng đáng, được các cấp, các ngành biểu dương khen thưởng. Những kết quả đạt được đã có tác động tích cực trong việc ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của tội phạm, góp phần làm chuyển biến tình hình trật tự, an toàn xã hội trong toàn tỉnh, kiềm chế được sự gia tăng tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Nguyễn Hùng