Những chuyển biến tích cực Ông Bùi Văn Kỳ ở thôn Yên Ninh, xã Yên Quang (huyện Nho Quan) làm nghề sửa chữa ti vi từ nhiều năm nay. Sau khi xã mở lớp dạy nghề điện dân dụng vào cuối năm 2012, ông Kỳ là một trong những người đầu tiên trong xã đăng ký tham gia lớp học. Sau 3 tháng học nghề chăm chỉ, ông Kỳ đã có chứng chỉ sơ cấp nghề điện. Có trong tay nghề mới, ông Kỳ kết hợp luôn dịch vụ sửa chữa ti vi với sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng. Ông Kỳ cho biết, thu nhập từ cửa hàng giúp cho gia đình ông có cuộc sống rất ổn định.
Ông Hoàng Xuân Ảnh, Chủ tịch UBND xã Yên Quang phấn khởi cho biết, hàng trăm lao động tham gia học nghề trong 2 năm trở lại đây đều có việc làm hoặc tự tạo việc làm như ông Kỳ. Trước đây, thực hiện Đề án 1956, ở địa phương cũng mở một số lớp học nghề như: trồng nấm, thêu ren xuất khẩu. Nhưng sau khi đào tạo, hầu hết người lao động không duy trì nghề đã học. Vì những nghề này đòi hỏi phải có vốn và kỹ thuật tay nghề cao, đa số lao động địa phương không đáp ứng được hoặc không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Cuối năm 2012, được giao quyền chủ động trong thực hiện Đề án, ngoài việc lựa chọn được những nghề thực sự phù hợp với địa phương, chúng tôi còn chủ động được thời gian tổ chức lớp học vào thời điểm thích hợp, do đó đã thu hút sự quan tâm của lao động địa phương. Kết thúc khóa học nghề điện dân dụng, hầu hết các học viên đều có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân nên rất phấn khởi. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở lớp học trồng khoai sọ, trồng gấc xuất khẩu. Đối với cây gấc xuất khẩu, chúng tôi đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Vừa qua, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện xây dựng Việt - Xô cũng tổ chức bế giảng một lớp dạy nghề mộc dân dụng cho 35 học viên của làng nghề mộc Sơn Hà (thôn Sơn Hà, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan). Ông Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện xây dựng Việt - Xô cho biết, tham gia lớp học này đều là những người thợ đã biết nghề, song họ rất ham học. Không chỉ bồi dưỡng kỹ năng nghề, chúng tôi còn trang bị cho họ những kiến thức trong tính toán nguyên vật liệu, những hiểu biết về thị trường tiêu thụ sản phẩm; kiến thức phòng, tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Kết thúc khóa học, người lao động được cấp chứng chỉ học nghề. Với chứng chỉ này, họ sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng; được tham gia vào thị trường lao động có chất lượng. Đặc biệt, sau khi hoàn thành trình độ sơ cấp nghề, các học viên nếu có nhu cầu sẽ được nhà trường tiếp nhận để đào tạo lên bậc học trung cấp, cao đẳng nghề để có được trình độ tay nghề cao, đáp ứng được thị trường ngày càng khó tính.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, theo cơ chế phân giao kế hoạch mới của Đề án 1956, cấp huyện lập kế hoạch, cấp xã thực hiện công tác dạy nghề. Kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh phân bổ về từng huyện, thành phố để trực tiếp thực hiện theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nhu cầu của người học và người sử dụng lao động ở địa phương. Riêng đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, do "đầu việc" giảm nên đơn vị có điều kiện để làm tốt hơn nữa chức năng giám sát về công tác đào tạo nghề.
Như vậy, cấp huyện và cấp xã đóng vai trò chủ chốt từ khâu khảo sát đối tượng học nghề, lên kế hoạch dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động. Sau một thời gian thực hiện phân cấp quản lý, công tác dạy nghề tại các địa phương đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận. Hầu hết các địa phương đều nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Những đơn vị tham gia dạy nghề cũng được tỉnh rà soát, thẩm định khắt khe về năng lực dạy nghề, qua thẩm định, số cơ sở đủ điều kiện tham gia dạy nghề từ trên 50 cơ sở, giảm xuống còn 24 cơ sở. Những đơn vị dạy nghề có đơn hàng đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động ngay từ khi còn đang học nghề. Bởi thế, các học viên tham gia học nghề đều rất phấn khởi, chăm chỉ và linh hoạt ứng dụng nghề đã được học vào cuộc sống sau khi hoàn thành khóa học.
Tạo tương lai cho hàng nghìn lao động nông thôn
Trong 5 năm qua, UBND tỉnh cũng đã phân bổ hơn 32 tỷ đồng, cùng với kinh phí của Trung ương để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trường Trung cấp nghề Nho Quan và 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện theo chính sách Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, hệ thống phòng học chuyên môn, nhà xưởng thực hành nghề được cải tạo, nâng cấp đáp ứng kịp thời công tác dạy và học nghề của các địa phương. Các cơ sở dạy nghề sử dụng có hiệu quả kinh phí, tài sản thiết bị được giao hàng năm.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 giáo viên dạy nghề, trong đó giáo viên có trình độ đại học và cao đẳng chiếm trên 70%, số giáo viên đạt chuẩn chiếm gần 80%. Trong 5 năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tổ chức 20 lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm nghề và kỹ năng dạy học cho gần 600 giáo viên và người dạy nghề. Đồng thời, các chương trình dạy nghề cũng từng bước được hoàn thiện căn cứ vào chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề và nhu cầu của thị trường lao động. Nhiều cơ sở dạy nghề cũng đã chủ động tham khảo các chương trình đào tạo của các trường trong cả nước để phát triển chương trình đào tạo trong thời gian tới.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện đào tạo nghề cho gần 90.000 lao động, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ước đạt 40%. Qua khảo sát cho thấy, các nghề đào tạo đã bám sát được nhu cầu của thị trường, một số doanh nghiệp, đơn vị đã quan tâm, chú trọng hơn đến công tác tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Đặc biệt, trong những năm qua, các lớp dạy nghề theo mô hình gắn với doanh nghiệp và làng nghề truyền thống của tỉnh cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác dạy nghề tạo việc làm cho người lao động gắn với làng nghề và doanh nghiệp góp phần thúc đẩy các làng nghề từ 44 làng nghề (năm 2010) lên 75 làng nghề (2014) và tăng các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.
Những kết quả đạt được cho thấy, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đã đi đúng hướng, phấn đấu bình quân mỗi năm tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 17.000 lượt người, đưa tỷ lệ qua đào tạo nghề của tỉnh đến năm 2015 đạt 40% và đến năm 2020 đạt 55%. Quan trọng hơn là đảm bảo giai đoạn 2011-2015 có 70-80% và giai đoạn 2015-2020 có 80-90% số lao động học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng