Nhận thức được tầm quan trọng, sự cần thiết và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, trong thời gian qua tỉnh Ninh Bình đã tập trung đầu tư triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng giữa các cơ quan trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, thời gian qua VNPT Ninh Bình đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình trong việc triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ Chính quyền điện tử theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn đã thực hiện cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi.
Trong năm 2017, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành triển khai và đưa vào sử dụng hai hệ thống phần mềm trên toàn tỉnh đó là: Hệ thống liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice liên thông 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã và hệ thống Cổng dịch vụ hành chính công "Một cửa điện tử" VNPT-iGate.
Chia sẻ về Hệ thống liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice, ông Đinh Quang Tấn, Giám đốc Trung tâm CNTT - VNPT Ninh Bình cho biết: Đây là phần mềm do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sản xuất và cung cấp, được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây, an toàn bảo mật với chức năng mật khẩu xác thực một lần - OTP, cho phép tích hợp chữ ký số, thông báo văn bản công việc đến qua SMS, email…, giúp điều hành và quản lý mọi lúc, mọi nơi.
Khi triển khai phần mềm, hầu hết các văn bản không mật của cơ quan Nhà nước các cấp đều được chuyển dưới dạng văn bản điện tử, giúp tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm; tiết kiệm nguồn nhân lực khai thác, vận hành hệ thống máy chủ, quản lý, khai thác hệ thống...
Hệ thống phần mềm được thiết lập tại các đơn vị, đảm bảo liên thông đa chiều, đa cấp, được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, công khai tiến độ xử lý văn bản qua mạng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Tính đến nay, Hệ thống đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền của tỉnh với 492 đơn vị và 6.700 người sử dụng. Theo số liệu công khai trên hệ thống Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đến tháng 12 năm 2017, đã có 946.410 văn bản được trao đổi giữa 492 đơn vị trên toàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai Cổng thông tin điện tử cho các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, tiếp tục xây dựng nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh, dự kiến đưa vào hoạt động vào đầu năm 2018. Qua đánh giá cho thấy, trên 80% văn bản được trao đổi giữa cơ quan Nhà nước tỉnh Ninh Bình dưới dạng điện tử đã tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như công sức của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh; công tác cải cách hành chính hoạt động của các cơ quan Nhà nước được đẩy mạnh, công khai, minh bạch; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nnhà nước được nâng cao.
Cũng theo thông tin từ ông Đinh Quang Tấn, Giám đốc Trung tâm CNTT - VNPT Ninh Bình: Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chỉ số ICT Index năm 2017 của tỉnh từ bậc 42 năm 2016 lên bậc 29 năm 2017. Đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến đã tăng 32 bậc, từ bậc 61 năm 2016 lên bậc 29 năm 2017, qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Có thể nói, việc triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng chính quyền điện tử đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao trách nhiệm, kỹ năng sử dụng vi tính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tạo lập môi trường giao tiếp điện tử, giảm thiểu thời gian xử lý văn bản, giấy tờ, giúp lưu trữ hồ sơ văn bản một cách khoa học và có trình tự, dễ dàng tìm kiếm. Qua đó tạo ra phương thức làm việc mới, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu việc sử dụng văn bản giấy, giảm thời gian xử lý công việc, đồng thời là công cụ để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Nguyễn Thơm