Những năm gần đây, do làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề, toàn tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề… tham gia đào tạo nghề cho lao động địa phương với nhiều phương thức phù hợp với nhu cầu của người lao động.
Trung tâm dạy nghề 8-3 (thị trấn Thiên Tôn- Hoa Lư) chuyên đào tạo các nghề móc hộp, túi, khăn, áo phục vụ cho hoạt động xuất khẩu từ năm 2007. Trao đổi với chị Phạm Thị Thập, Giám đốc Trung tâm được biết: Nhu cầu tuyển dụng lao động của Trung tâm luôn thường xuyên vì Trung tâm đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách hàng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động khó vì các nghề thủ công đòi hỏi người làm nghề phải kiên trì, tỉ mỉ mới có được sản phẩm đẹp, đạt chất lượng. Do đó, hoạt động đào tạo nghề tại Trung tâm diễn ra thường xuyên. Nhất là mỗi dịp có đơn hàng mới, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trung tâm lại trực tiếp về các địa phương để dạy kỹ thuật mới. Những đợt dạy nghề như thế, người đã có nghề lại có thêm kiến thức để nâng cao tay nghề, còn những người có nhu cầu học nghề, có thể tham gia học miễn phí. Một năm Trung tâm tổ chức 3- 4 lớp đào tạo nghề cho lao động các địa phương trên địa bàn huyện Hoa Lư. Từ năm 2011, Trung tâm còn phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức lớp dạy nghề cho nhiều lao động các xã, thị trấn trong huyện. Đến nay, Trung tâm thu hút khoảng 200 lao động làm việc thường xuyên với thu nhập 40.000 đồng/người/ngày. Với năng lực sản xuất 500- 600 bộ sản phẩm/tháng, Trung tâm có thể tiếp nhận thêm nhiều lao động vào học nghề và làm việc, nhất là lao động nữ trung tuổi, lao động không có sức khỏe để làm việc nặng nhọc…
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Hoa Lư, Công ty may Đức Huân lại tham gia hoạt động đào tạo nghề rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Gặp chị Vũ Thị Kim Yến, Giám đốc Công ty vào dịp Công ty phối hợp với huyện Gia Viễn tổ chức lớp đào tạo nghề may tại địa bàn xã Gia Xuân, chị Yến chia sẻ: Mấy năm gần đây, nhận thức rõ hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn hết sức quan trọng và cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề. Hiện Công ty đang phối hợp với huyện Hoa Lư, Gia Viễn, thị xã Tam Điệp, Nho Quan, Yên Khánh tổ chức dạy nghề cho lao động địa phương theo hình thức phối hợp với các địa phương, tận dụng diện tích, nhà xưởng… để tổ chức dạy nghề cho người lao động ngay tại địa phương, giúp người lao động giảm bớt khó khăn khi phải đi lại xa xôi, tốn kém trong quá trình học nghề. Trung bình mỗi năm, Công ty đã tổ chức dạy nghề cho từ 200 - 300 lao động, 100% học viên sau đào tạo nghề, đạt các tiêu chuẩn về tay nghề đều được sắp xếp vào làm việc tại các xưởng sản xuất với mức lương từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Theo Giám đốc doanh nghiệp Đức Huân, với hình thức đào tạo kiểu này, doanh nghiệp sẽ chủ động được các đơn đặt hàng, giao hàng đúng tiến độ.
Với chức năng được giao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020", UBND tỉnh đã xây dựng Đề án số 10/ĐA-UBND về "Dạy nghề tỉnh Ninh Bình đến năm 2020". Trong năm 2012, cùng với nguồn vốn dạy nghề do Trung ương cấp, tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách địa phương để tập trung cho công tác đào tạo nghề. Năm qua, các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức tuyển sinh được 556 lớp dạy nghề, thu hút 16.615 lao động tham gia, đạt 100,6% kế hoạch đề ra. Trong đó, đào tạo dài hạn là 4.800 lao động, chiếm tỷ lệ 28,8%, đào tạo ngắn hạn là 11.815 lao động, chiếm 71,1%.
Công tác đào tạo nghề của tỉnh năm qua đã tập trung vào việc dạy nghề cho người lao động thuộc các địa phương bị thu hồi đất, 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, 25 xã làm trước về xây dựng nông thôn mới với các ngành nghề: may, lái xe, xây dựng, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch, trồng trọt, chăn nuôi… Sau đào tạo nghề, đã có trên 70% lao động được giải quyết việc làm, được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đã có 23 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia công tác đào tạo nghề đã giúp cho nhiều lao động tìm được việc làm ngay tại nơi học nghề. Kết quả từ công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động tại các địa phương, phát triển nhanh các làng nghề và đóng góp tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Cùng với làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động dạy nghề, hoạt động của các trường nghề, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm kiện toàn và củng cố để đáp ứng yêu cầu dạy nghề trong tình hình mới. Hiện toàn tỉnh có 53 cơ sở dạy nghề, trong đó có 3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 27 trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm và 16 cơ sở, doanh nghiệp tham gia dạy nghề. Tỉnh đang chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các ngành tiến hành khảo sát lại tất cả các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh để nắm chắc về năng lực hoạt động của các cơ sở dạy nghề, tập trung đổi mới công tác dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 60 - 65%; đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70 - 75%, đảm bảo việc làm cho lao động sau học nghề là 80%.
Phan Hiếu