Nhiều công trình được xã hội hóa hiệu quả
Vừa qua, công trình Trạm cấp nước tập trung xã Kim Hải (Kim Sơn) sau bao năm bị bỏ hoang do thiếu kinh phí đã được Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình tiếp nhận đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Niềm vui được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh được sử dụng theo công nghệ lắng lọc hiện đại khiến nhiều hộ dân nơi đây như được "đổi đời". Anh Nguyễn Văn Thắng, xóm 2, xã Kim Hải cho biết: Những năm qua, vấn đề thiếu nước sạch trở thành nỗi "ám ảnh" của nhiều người dân nơi đây, nhất là thời điểm mỗi khi hè về. Hầu hết người dân trong thôn, trong xã sử dụng nước giếng khoan nhiễm mặn, có gia đình không khoan được giếng vì chi phí khá cao. Như gia đình anh phải trông chờ vào nguồn nước mưa khan hiếm, nước sử dụng hàng ngày phải đi mấy trăm mét lấy ở hồ nước nhiễm mặn. Nay được sử dụng nguồn nước sạch, gia đình tôi rất yên tâm và phấn khởi.
Theo ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Kim Hải thì Kim Hải là xã bãi ngang của huyện Kim Sơn, nguồn nước tại đây thường xuyên bị nhiễm mặn, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt và trồng trọt của người dân diễn ra phổ biến. Trước thực trạng này, Trạm cấp nước Kim Hải được Nhà nước đầu tư xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2010 với tổng mức đầu tư phê duyệt gần 14 tỷ đồng, trong đó gần 13 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đối ứng của nhân dân gần 1,4 tỷ đồng, dự kiến năm 2013 sẽ đi vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho trên 1 nghìn hộ dân trong xã và một số hộ dân ở các xã lân cận. Tuy nhiên, đến năm 2012, công trình ngừng thi công do không có vốn đầu tư tiếp. Trước thực tế không có nước sạch, hầu hết các hộ dân trong xã đều phải xây bể dự trữ nước mưa, sinh hoạt bằng nguồn nước giếng khoan, nước mặt tại ao, ngòi, đầm không đảm bảo vệ sinh. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị để các cấp chính quyền, các ngành hữu quan có giải pháp thực hiện. Đầu năm 2017, công trình được bàn giao cho Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Đến nay, sau gần 5 tháng hoàn thiện, công trình được khánh thành đưa vào sử dụng, theo đó sẽ có gần 1 nghìn hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đây cũng là một trong nhiều chỉ tiêu phấn đấu về đích nông thôn mới của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hạ, Giám đốc Chi nhánh cấp nước Kim Sơn cho biết, ngay khi tiếp nhận nguyên trạng công trình từ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với tổng giá trị công trình trên 9,6 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình đã khẩn trương đầu tư, cải tạo hoàn thiện các hạng mục xây dựng dở dang với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng, bao gồm bổ sung tuyến ống cấp nước thô từ trạm bơm cấp I đến trạm xử lý nước; kiểm tra, cải tạo, sửa chữa mạng lưới đường ống cấp nước; bổ sung, hoàn thiện trạm bơm cấp I, II; cải tạo bể lắng Lamella, bể lọc nhanh; lắp đặt đồng hồ và thiết bị trộn tĩnh; cải tạo nâng cấp đường dây và trạm biến áp cấp điện cho Trạm cấp nước Kim Hải; đặc biệt nâng công suất thiết kế từ 620m3 lên 1.200 m3/ngày đêm, gấp đôi công suất thiết kế ban đầu… Trước mắt, công trình đưa vào hoạt động sẽ cung cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân xã Kim Hải, người dân sẽ không còn phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn, nước mặt nhiễm mặn như trước đây. Thời gian tới, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến ống chính dẫn về các xã Kim Mỹ, Kim Đông và thị trấn Bình Minh để phủ rộng vùng phục vụ, tiến tới cấp nước cho khoảng 3.000 hộ dân các xã bãi ngang trên địa bàn huyện Kim Sơn.
Ông Đinh Ngọc Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình cho biết: Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc bàn giao các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, đến tháng 3/2017, Công ty đã tiếp nhận 17 trạm cấp nước sạch nông thôn, trong đó có 6 công trình đang xây dựng dở dang. Để sửa chữa và vận hành 6 công trình này, Công ty gặp nhiều khó khăn do nếu tiếp tục đầu tư sửa chữa cần khoản kinh phí lớn trong khi nhu cầu sử dụng của người dân tại một số địa phương chưa cao nên không đảm bảo lợi nhuận cho Công ty. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế các công trình và nhu cầu sử dụng của người dân, Công ty đã có kế hoạch cải tạo nâng cấp hoàn thiện công trình hoặc đấu nối đường dây từ trạm cấp nước lân cận nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng của các hộ dân. Hiện Công ty đã đầu tư hoàn thiện Trạm cấp nước xã Kim Hải, còn lại đấu nối đường dây tại một số xã có công trình còn dở dang như xã Văn Phong, Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan), xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh), xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư)... Trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, đã có nhiều công trình nước sạch được khẩn trương đầu tư, hoàn thiện, từng bước mở rộng vùng cấp nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Cần thiết việc xã hội hóa các công trình nước sạch tập trung
Ông Tống Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ năm 2006, tỉnh Ninh Bình được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tại địa phương nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho người dân nông thôn. Các công trình đều có số vốn dự kiến lên đến hàng chục tỷ đồng và sẽ cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân tại địa phương. Tuy nhiên, đến năm 2012, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia không còn dẫn tới nhiều công trình thi công dang dở. Trước thực trạng trên, tỉnh Ninh Bình đã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa từ các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân để tiếp tục triển khai các công trình nước sạch. Theo đó, đã có các công ty, doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình, Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Hoàng Dân, Công ty cổ phần Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Bình, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường Hùng Thành… tiếp nhận, bàn giao hàng chục công trình đang hoạt động và dở dang để đầu tư hoàn thiện và quản lý, khai thác hiệu quả cho người dân nông thôn. Đến nay, tại 119 xã trên địa bàn tỉnh hiện có 92 công trình (77 công trình quy mô cấp xã và 15 công trình quy mô cấp thôn, bản) cấp nước tập trung đang hoạt động, trong đó 81 công trình đang hoạt động bình thường, 9 công trình đang xây dựng dở dang và 2 công trình hư hỏng đã được đấu nối. Đến tháng 6/2017, tỷ lệ dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 94%, trong đó có 57,7% số dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Theo Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến năm 2020 có trên 98% hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó trên 65% sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Nhằm đạt được mục tiêu trên, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động hiệu quả các công trình nước sạch, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa lĩnh vực kinh doanh nước sạch nông thôn đều được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, ưu đãi trong huy động vốn, được hỗ trợ vốn theo quy định của Nhà nước. Do đó, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tiếp nhận sửa chữa và vận hành các công trình. Đến nay đã có 31 công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả được các doanh nghiệp tại địa phương tiếp nhận sửa chữa, vận hành, mang lại kết quả khả quan. Đã sửa chữa, lắp đặt gần 52km đường ống, từ đó có thêm hơn 2 nghìn hộ dân được sử dụng nước sạch. Một số công trình hư hỏng, dở dang đã được khắc phục, đầu tư và đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay, tại các địa phương vẫn còn một số công trình nước sạch xây dựng dở dang chưa được đầu tư hoàn thiện do các doanh nghiệp thiếu vốn, nhiều công trình quản lý không hiệu quả, một số công trình xuống cấp nhanh do không chú ý đến công tác duy tu bảo dưỡng, nhiều công trình sử dụng lâu năm nên tỷ lệ thất thoát nước cao lên đến 40-60%... Cùng với đó, công tác xã hội hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như một số doanh nghiệp chưa khắc phục triệt để các công trình hư hỏng xuống cấp, tiến độ đầu tư nâng cấp, sửa chữa, duy tu công trình còn chậm, một số công trình xây dựng dở dang hiện vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Đặc biệt, nhiều nơi dù đã có nước sạch đảm bảo vệ sinh nhưng người dân vẫn giữ thói quen dùng nước giếng, nước mưa...
Trước thực tế trên, theo ông Tống Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, thời gian tới, UBND tỉnh cần tổ chức đánh giá, kiểm tra thực tế các mô hình quản lý, các công trình đã được giao cho doanh nghiệp để sắp xếp, điều chuyển theo các phương án: Đối với các công trình đã giao đang hoạt động có hiệu quả, tiếp tục giao cho đối tượng quản lý, sử dụng, khai thác; đối với các công trình đã được giao quản lý nhưng chưa hiệu quả cần tiến hành điều chuyển, giao cho đối tượng quản lý có đủ năng lực và kinh nghiệm quản lý, vận hành. Tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại các khu vực chưa có nước từ các trạm cấp nước. Đồng thời nên thành lập Ban giám sát các công trình đã được xã hội hóa, thường xuyên giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện theo tiến độ, cam kết sau khi tiếp nhận công trình. Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng nước ở tất cả các công trình này. Thêm vào đó tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân ý thức và việc cần thiết sử dụng nước hợp vệ sinh, nhằm đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh