Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng phần mềm và kho cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời xây dựng các trang thông tin điện tử (website) riêng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh trên Internet và triển khai ứng dụng thương mại điện tử một cách hiệu quả…
Lĩnh vực viễn thông, Interrnet trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt tốc độ phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng mạng lưới rộng khắp trên toàn tỉnh, đảm bảo cung cấp các dịch vụ về viễn thông và Internet có chất lượng tốt với nhiều loại hình đa dạng, phong phú phục vụ khách hàng và các doanh nghiệp... Điều đó đã tạo tiền đề cho việc phát triển công nghệ thông tin và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh trong thời gian tới. Qua khảo sát mức độ ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh cho thấy, lượng website của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia mua bán, trao đổi trên mạng và các sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Các doanh nghiệp đã từng bước tiếp cận với việc quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình trên mạng Internet. Một số giao dịch đã thành công, ký kết được hợp đồng với trị giá cao. Mặt khác, qua thương mại điện tử, các doanh nghiệp đã có nhiều cơ hội quảng bá thương hiệu của mình sâu rộng hơn, cả trong và ngoài nước. Các hình thức mua bán, trao đổi qua Internet từng bước phát triển và dần trở nên quen thuộc đối với các doanh nghiệp và một bộ phận người tiêu dùng. Đến nay, nhiều doanh nghiệp tổ chức bán hàng hóa và dịch vụ qua website, đi đầu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ… Phương thức thanh toán và giao hàng trực tuyến, chuyển khoản sau khi đặt hàng cho đến thanh toán khi nhận hàng cũng được các doanh nghiệp thực hiện rất linh hoạt, phần nào đáp ứng yêu cầu của người mua. Lượng người tham gia vào các mạng xã hội trên Internet ngày càng tăng và đang trở thành thị trường thực sự cho doanh nghiệp…
Mặc dù vậy, phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và thương mại điện tử, chủ yếu là kiêm nhiệm. Mặt khác, việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp mới ở giai đoạn đầu nên hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Mặc dù các doanh nghiệp đã sử dụng nhiều giải pháp trong hệ thống thanh toán, quản lý doanh nghiệp và các dịch vụ trong thương mại điện tử, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp vừa và lớn, tiềm lực mạnh; các doanh nghiệp nhỏ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử còn yếu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, giá bán, phương thức thanh toán. Chức năng bán hàng, thanh toán trực tuyến hầu như chưa có, nếu có cũng chỉ rất nhỏ, điều này làm hạn chế các tính năng của website và chưa phát huy hết vai trò trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. An toàn bảo mật thông tin khi kinh doanh trên môi trường mạng là một vấn đề gây trở ngại lớn đối với doanh nghiệp; doanh nghiệp vẫn còn e ngại, chưa chủ động tìm ra những giải pháp an ninh cho toàn mạng nói chung hay thương mại điện tử nói riêng…
Trong thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại điện tử cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thương mại điện tử. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng thương mại điện tử nhằm giúp cho cán bộ quản lý, các làng nghề và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về lợi ích của thương mại điện tử; tiếp cận các mô hình và hệ thống pháp luật thương mại điện tử Việt Nam và trên thế giới. Từ đó lập các kế hoạch triển khai thương mại điện tử; xây dựng và ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến, các kỹ năng khai thác, quản lý và cập nhật thông tin thương mại trực tuyến; xây dựng và quản trị website thương mại điện tử, ứng dụng marketing trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu trên Internet… để tăng cơ hội bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của mình. Củng cố, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giúp cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh, đặc biệt là giúp Sở Công thương quản lý các thông tin doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh một cách có hệ thống, kết nối thông tin về công nghiệp và thương mại với các huyện, thành phố, thị xã và với Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam (VNEX) của Bộ Công thương nhanh chóng, kịp thời.
Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; xây dựng website thương mại điện tử phù hợp với mô hình, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp tự triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình B2C tiên tiến; cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả trên website. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng marketing trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường Internet phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.
Trần Thanh