Các mô hình chuyển giao, ứng dụng KHKT nổi bật Việc thành lập HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn và chuyển giao KHKT trồng rau an toàn tại xã Khánh Thành là một trong những mô hình tiêu biểu được triển khai trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nói chung và của huyện Yên Khánh nói riêng. HTX được thành lập trên cơ sở các hộ trồng rau tại xóm 13 xã Khánh Thành nhằm thúc đẩy sản xuất và giải quyết những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, từng bước xây dựng mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Hiện nay, HTX có trên 30 thành viên thực hiện canh tác theo mô hình đa canh với hơn 20 ha, tập trung ở xóm 13 và các xóm lân cận xã Khánh Thành. Các sản phẩm chính của HTX gồm: cải ngọt, cải ngồng, mướp đắng, dưa chuột, dưa bao tử, bí xanh, cà chua, rau gia vị… Phương thức canh tác theo hướng VietGap, tức là sản xuất rau theo hướng an toàn.
Theo ông Phạm Văn Thẫn, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn Khánh Thành: Việc ứng dụng KHKT trồng rau theo hướng VietGap cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với kiểu trồng rau thông thường. Hơn nữa, sản xuất ra rau sạch, đảm bảo an toàn chất lượng đến tay người tiêu dùng. Hiện nay mỗi ngày hợp tác xã tiêu thụ khoảng 1 tấn rau, củ quả các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, HTX có định hướng liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trong khâu tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng cách đặt các điểm giới thiệu sản phẩm tại các khu trung tâm thành phố như khu trưng bày giới thiệu sản phẩm thành viên Liên minh HTX tỉnh, gian hàng giới thiệu sản phẩm sở Nông nghiệp....
Đẩy mạnh tuyên truyền và ký hợp đồng cung cấp thông qua hệ thống siêu thị, nhà hàng, các sở ban ngành trong tỉnh để đảm bảo sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ, tạo việc làm, nâng cao mức thu nhập cho thành viên và cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đồng thời đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong sản xuất rau an toàn, kết hợp với chương trình khuyến nông ứng dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật canh tác theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững.
Tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản an toàn có chứng nhận của cơ quan chức năng, từng bước thâm nhập thị trường trong tỉnh và vươn ra thị trường ngoài tỉnh.
Mô hình chuyển giao, ứng dụng KHKT, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng thức ăn gia súc tại tỉnh ta đã mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Sơn, Đông Sơn, thành phố Thành Phố Tam Điệp, hộ đã áp dụng kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò của Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao cho biết: Trước đây gia đình ông lựa chọn phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi và trồng trọt.
Tuy nhiên một năm cũng chỉ nuôi từ 2-3 con bò theo hình thức chăn thả tự nhiên và trồng các loại cây lương thực như sắn cho hiệu quả không cao. Nuôi bò theo hình thức chăn dắt vừa tốn công mà bò chậm phát triển do thiếu thức ăn giàu dinh dưỡng.
Năm 2015 được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò trên diện tích canh tác kém hiệu quả, gia đình ông đã trồng 0,4 ha cỏ VA06 và đầu tư nuôi 7 con bò. Bò được ăn no, đủ dinh dưỡng nên tăng trọng nhanh, sinh sản đều.
Năm đầu thử nghiệm mang lại hiệu quả cao nên năm nay gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng cỏ lên 1 ha và số đầu bò đã tăng lên 25 con.
Qua một năm thực hiện kỹ thuật mới, ông Sơn thấy rằng việc nuôi bò hiện nay rất nhàn và hiệu quả cao. Buổi sáng ông có thể tranh thủ 20 đến 30 phút cắt cỏ để làm thức ăn cho bò cả ngày. Sau đó tiếp tục đi làm việc khác để tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó trồng loại cỏ VA06 rất dễ chăm sóc, không tốn nhiều chí phí và hiệu quả kinh tế cao.
Đánh giá về mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm khuyến nông cho biết: Năm 2015 mô hình chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cỏ VA06 làm thức ăn chăn nuôi được triển khai trên địa bàn Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, Tam Điệp với diện tích 6 ha và trên 30 hộ dân tham gia.
Theo đó, nông dân được hỗ trợ giống cỏ, kỹ thuật trồng và một phần phân bón lót. Kết quả bước đầu cho thấy, cỏ phát triển rất tốt, mướt lá, bò ăn cỏ lớn rất nhanh.
Ước tính một năm trồng cỏ có thể thu hoạch 7 lứa, mỗi lứa đạt từ 30-40 tấn/ha và giá trị đạt từ 120-150 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so vớ trồng lúa. Trồng cỏ bán đã có lãi như vậy thì nếu người nuôi bò chủ động trồng được cỏ thì lãi càng cao.
Với hiệu quả từ mô hình trồng cỏ nuôi bò, năm 2016 diện tích trồng cỏ VA06 đã được người dân trên địa bàn tỉnh nhân rộng lên gần 100 ha, tăng 20 lần so với năm trước làm thử nghiệm.
Diện tích và sản lượng cỏ tươi tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình chăn nuôi bò ở địa phương trong thời gian tới.
Tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt trên 4.481 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015. Nét nổi bật sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu là nông dân đã bắt đầu sản xuất theo định hướng và nhu cầu của thị trường, sản xuất nông nghiệp đang dần gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao và tổ chức xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đạt được những kết quả trên là do trong những năm gần đây tỉnh ta đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị sản xuất.
Phương thức chuyển giao KHKT đến nông dân được áp dụng phổ biến là xây dựng, tổ chức thí điểm, trình diễn mô hình sản xuất, sau khi có hiệu quả sẽ nhân rộng trên địa bàn. ở lĩnh vực trồng trọt, tỉnh ta tập trung chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương như: các giống lúa, cây ăn quả, rau màu các loại,... vào sản xuất.
Chuyển đổi nhanh theo quy định những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây làm thức ăn chăn nuôi, cây trồng hàng năm có kinh tế cao hơn...
Đặc biệt ở sản xuất lúa, liên tục nhân tạo, khảo nghiệm các giống lúa chất lượng cao chống chịu thời tiết và kháng sâu bệnh cung cấp đủ cho sản xuất đại trà. Đưa tỷ lệ diện tích lúa thuần chiếm trên 85% tổng diện tích gieo cấy, còn lại 15% diện tích là lúa cao sản. Phương thức sản xuất lúa được cải tiến như gieo thẳng, tưới nước tiết kiệm nông lộ phơi mang hiệu quả sản xuất tăng từ 10-15%. Năm 2016, toàn tỉnh có 22.000 ha được gieo thẳng ở cả hai vụ (chiếm 27% diện tích).
Cùng với khảo nghiệm, chọn tạo giống lúa tốt, tỉnh ta còn đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sử dụng máy móc vào các công việc như làm đất, tưới tiêu, tuốt lúa ngày càng tăng, 100% diện tích gieo cấy lúa được làm đất bằng máy, 60-70% diện tích gieo cấy thu hoạch bằng máy gặt đập hiên hợp.
Qua đó, đã góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống của người lao động ở nông thôn.
Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, quy mô công nghiệp, an toàn sinh học. ứng dụng KHKT để chọn tạo nguồn giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt, nhất là con dê và con bò; áp dụng công nghệ đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường kháng thể bảo vệ đàn vật nuôi...
Bên cạnh đó, ứng dụng tiến bộ KHKT vào lĩnh vực thủy sản để tìm ra con giống có phẩm chất tốt, có năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất cao, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương. Một số địa phương đã hình thành phong trào chuyển đổi diện tích ruộng trũng canh tác lúa kém hiệu quả sang nuôi lúa cá hoặc chuyên canh thủy sản.
Riêng từ đầu năm 2016 đến nay ngành Nông nghiệp đã tiến hành triển khai, theo dõi 45 mô hình, trong đó lĩnh vực trồng trọt 17 mô hình, chăn nuôi - thú y 8 mô hình, thủy sản 20 mô hình (11 mô hình theo hướng VietGap và 5 mô hình theo hướng an toàn sinh học).
Các mô hình tiêu biểu đang được triển khai: Mô hình nhân giống và ứng dụng công nghệ nhả lưới; tưới nhỏ giọt cà chua ghép trên gốc cà tím phục vụ trồng cà chua trái vụ; ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giống bò BBB trên nền bò cái Laisind;quy trình nuôi cá nác hoa thương phẩm tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn...
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện hỗ trợ, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ nông sản.
Trong đó tập trung vào khảo sát, đánh giá điều kiện tự nhiên, tình hình sản xuất rau, ứng dụng công nghệ và thị trường tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Ninh Bình và huyện Yên Khánh. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao vào kế hoạch sản xuất trong những năm tới.
Hồng Giang