Tại Trung tâm một cửa liên thông của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho phép người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến, theo dõi quá trình xử lý thủ tục hành chính. Tuy nhiên, số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị chưa thật sự hiệu quả, tỷ lệ nhận hồ sơ trực tuyến còn rất hạn chế. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện nhưng có rất ít công dân lựa chọn cách nộp hồ sơ trực tuyến. Anh Dương Anh Ngọc, nhân viên bộ phận "một cửa" Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện tại, trình độ dân trí và mặt bằng chung về công nghệ thông tin của người dân mới chỉ phù hợp với dịch vụ công trực tuyến mức 2 (tức là người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ rồi gửi trực tiếp hoặc gửi bằng đường bưu điện). Đối với dịch vụ công mức 3 (người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản; việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả tại cơ quan, tổ chức cung ứng dịch vụ) chưa có nhiều người sử dụng. Nguyên nhân là do công dân chưa quen cách tiếp cận và giao dịch trên môi trường mạng, cùng với tâm lý phải nộp tận tay các cơ quan chức năng mới yên tâm. Hơn nữa, hiện nay cơ sở dữ liệu số của Nhà nước vẫn chưa có, khi công dân cần hỏi thông tin, hệ thống chưa tự động trả lời cũng là điều làm họ chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến.
Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước được cung cấp trên môi trường mạng, giúp cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ phận một cửa còn hạn chế, chưa đầy đủ. Đồng chí Bùi Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Một cửa liên thông huyện Gia Viễn cho biết: Tại huyện Gia Viễn, từ năm 2004, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa" tại UBND huyện đã được thành lập và đi vào hoạt động, giải quyết các thủ tục hành chính thuộc 7 lĩnh vực. Cơ chế một cửa đã làm thay đổi đáng kể lề lối làm việc của UBND huyện, các đơn vị liên quan và phong cách làm việc của cán bộ, công chức ở huyện. Tuy nhiên việc đầu tư trang thiết bị, đặc biệt về công nghệ thông tin vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, do đó việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đối với huyện và các tổ chức, cá nhân chưa được thường xuyên, liên tục.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông phân chia các dịch vụ công trực tuyến thành 4 mức độ: Mức 1: Cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ. Mức 2: Cho phép tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Mức 3: Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng. Mức 4: Gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, số lượng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 1, 2 tăng nhiều hơn so với các năm trước. Mặc dù các dịch vụ hành chính công trực tuyến có tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng nhìn chung toàn tỉnh mới chỉ cung cấp được hơn 10 dịch vụ công trực truyến mức độ 3 và chưa có dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 4). Việc triển khai ứng dụng dịch vụ hành chính công mức độ 3 (mức độ cho phép các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng) chưa tiến triển nhiều. Tỷ lệ nhận hồ sơ trực tuyến hầu như không có. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa đăng tải thủ tục hành chính của cơ quan mình ở mức độ 1, 2. Một số trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đúng quy định như thiếu về thành phần hồ sơ, các biểu mẫu đính kèm, phân loại hồ sơ theo từng lĩnh vực và các thông tin khác. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình cải cách hành chính của tỉnh và gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình giải quyết công việc.
Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, công dân nộp hồ sơ trực tuyến và theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ của mình qua mạng. Để đầu tư xây dựng một dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là những dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, các cơ quan nhà nước phải tốn kém khá nhiều chi phí, thời gian và công sức. Thế nhưng, vẫn đang có tình trạng sau khi đưa dịch vụ công trực tuyến vào hoạt động thì chờ mãi không thấy người dân, doanh nghiệp nào sử dụng.
Triển khai các dịch vụ công trực tuyến là một trong những hạng mục quan trọng góp phần cải cách thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử đang được Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn là do người dân chưa quan tâm đến việc sử dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính. Cùng với đó, tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nên đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống, đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính. Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ công ở mức độ 3, 4, các cơ quan nhà nước nên chú trọng hơn nữa tới việc tìm cách gia tăng số lượng cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ này. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hình thành thói quen giao dịch qua mạng và nên chăng có cơ chế khuyến khích họ giao dịch theo hình thức này.
Hy vọng, với quyết tâm và cách triển khai phù hợp, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị sẽ từng bước ứng dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, góp phần tăng tính công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, công dân khi có công việc liên quan đến các thủ tục hành chính.
Mỹ Hạnh