Tổ hợp tác Vườn hoa Ninh Phúc, thôn Đoài Thượng là một trong những mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng, chăm sóc hoa trong nhà lưới tại xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình). Mô hình thực hiện trồng hoa trong nhà lưới và tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt Capinet, áp dụng trồng trong vụ hoa Tết Mậu Tuất 2018. Đây là một trong những tiến bộ mới về công nghệ tưới trong sản xuất nông nghiệp được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ một nửa số vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đánh giá bước đầu cho thấy, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và khắc phục được thời tiết diễn biễn phức tạp.
Anh Vũ Văn Ngà, Tổ hợp tác Vườn hoa Ninh Phúc cho biết: Trước đây, gia đình anh phải lắp đặt hệ thống vòi dẫn nước từ ao hoặc xách nước tưới thủ công cho diện tích trồng hoa, mất nhiều công chăm sóc, hoa lại phát triển không đều, dễ ảnh hưởng đến chất lượng lá cây và bông hoa. Từ khi được hỗ trợ chuyển giao và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, chỉ cần mở van, hệ thống tự động tưới nhỏ giọt đồng loạt vào gốc cho hàng nghìn chậu hoa. Công nghệ tưới nhỏ giọt Capinet là đưa nước, phân đến tận bầu các chậu hoa, kể cả những loại hoa được trồng bằng chậu trên các giàn cao tầng. áp dụng công nghệ này tiết kiệm được công chăm sóc, đảm bảo được nhiệt độ cho hoa sinh trưởng, phát triển tốt, kể cả trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại. Đặc biệt, không chỉ góp phần giảm chi phí tưới, công nghệ tưới nhỏ giọt còn có thể giảm bớt công bón phân đối với các loại phân bón dễ hòa tan như đạm, kali, các loại phân bón dạng nước… có thể áp dụng pha cùng với nước nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng để tưới đồng loạt, nhờ đó, hoa sinh trưởng, phát triển đồng đều hơn so với các phương pháp tưới truyền thống khác.
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc áp dụng hình thức tưới nhỏ giọt trong trồng hoa ở bầu, chậu sẽ giảm được 60% lượng nước tưới hàng ngày, giảm 100% hư hao phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vùng rễ do được hòa tan trong nước và thẩm thấu trực tiếp. Cùng với đó, việc tự động hóa trong quá trình tưới hoa cảnh cũng giảm đến 90% công chăm bón, tưới phân mà hiệu quả đạt được tăng đáng kể so với việc tưới, bón truyền thống.
Nhờ áp dụng công nghệ mới trong quá trình trồng hoa, hiện hơn 1 sào của Tổ hợp tác Vườn hoa Ninh Phúc trồng hơn 4 nghìn gốc hoa, bao gồm các loại hoa đồng tiền, hoa ly, cát tường, lồng đèn, xác pháo… đã cho hiệu quả. Nhiều loại hoa đã được xuất bán với giá từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng/chậu. Tính toán bước đầu ước tính cho giá trị kinh tế trên 22 triệu đồng/sào/vụ, cao hơn hàng chục lần so với cấy lúa và trồng các cây rau màu khác. Với hiệu quả của công nghệ trồng hoa trong nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cây hoa và thu nhập cho người nông dân.
Đối với mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ dê núi Xích Thổ (Nho Quan), từ tháng 11/2017, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã hỗ trợ trên 25 triệu đồng, mua 8 máy băm thái cỏ phục vụ các hộ nuôi dê bán thâm canh trong Tổ liên kết. Mô hình được thực hiện nhằm góp phần định hướng phát triển nuôi dê trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp và tạo điều kiện để các thành viên trong Tổ liên kết cùng trao đổi con giống, kinh nghiệm chăn thả và chăn nuôi có khoa học để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiếp tục phát triển quy mô đàn dê trên địa bàn đảm bảo năng suất, chất lượng thịt, hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu ẩm thực trên địa bàn tỉnh và khách du lịch. Đặc biệt, việc đưa máy băm thái cỏ vào quy trình chăn nuôi dê đã giải quyết được bài toán cho nông dân trong chăn nuôi truyền thống như: Nâng cao năng suất lao động, hạn chế bệnh tật cho đàn dê, đảm bảo an toàn vệ sinh chuồng nuôi cũng như tăng chất lượng sản phẩm thịt, sữa từ dê.
Ông Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ cho biết: Tới đây, Tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ dê núi Xích Thổ sẽ mở rộng thêm nhiều thành viên, vận động bà con trong vùng mạnh dạnh thực hiện chuyển đổi diện tích cây trồng, diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây, cỏ làm thức ăn nuôi dê, phát huy hơn nữa thế mạnh của địa phương trong chăn nuôi dê nhốt chuồng bán chăn thả; thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Xích Thổ nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra: "Đi đôi với sản xuất nông nghiệp- phát triển chăn nuôi là phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là phát triển chăn nuôi dê"…
Theo ông Phạm Minh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là cần thiết trong điều kiện hiện nay, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất mà còn là điều kiện cần và đủ để hình thành quy trình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng.
Thực hiện Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, năm 2017, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 15 mô hình tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ cao với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Trong đó có 10 mô hình tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, với tổng kinh phí 300 triệu đồng; 5 mô hình kinh tế hợp tác gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ, mỗi mô hình kinh phí 150 triệu đồng. Cùng với đó, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã mở 6 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng tại các huyện, thành phố cho 486 người là cán bộ HTX nông nghiệp và tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm về áp dụng thực tế mô hình địa phương.
Đánh giá bước đầu cho thấy, với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cùng với liên kết hình thành các tổ hợp tác, HTX trong sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện cho người dân thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang phương thức sản xuất mới; tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững, cung ứng ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Hạnh Chi