Bước đầu đã tạo được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong việc hình thành ý thức ưu tiên mua sắm hàng hóa, sản phẩm trong nước, góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa trong tiêu dùng của người Việt Nam. Đồng thời đã vận động, khuyến khích các doanh nghiệp từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, có chương trình khuyến mại, nhất là hướng về thị trường nông thôn, miền núi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành có liên quan cũng đã tích cực vào cuộc. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp trong nước, tổ chức triển lãm, các hoạt động chuyên môn để chống hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng; khuyến khích cán bộ, viên chức Nhà nước tiêu dùng hàng hóa Việt Nam…
Tuy nhiên, quá trình triển khai cuộc vận động cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do một phần tác động của suy thoái kinh tế thế giới, giá cả tăng bất thường, thiên tai, dịch bệnh... gây hạn chế đối với sản xuất, kinh doanh trong nước, trong tỉnh. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa sâu rộng; Các giải pháp thực hiện còn chung chung, hô hào là chính, tiến hành theo "thời vụ". Người tiêu dùng vẫn có không ít hoài nghi về chất lượng hàng nội, mẫu mã hàng hóa chưa đẹp, giá cả chưa hấp dẫn, trong khi đó, tâm lý "sính" hàng ngoại vẫn là thói quen mua sắm của nhiều người…
Để đưa cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động, MTTQ cùng với các thành viên chủ động hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai đến các ngành, các tổ chức thành viên Ban chỉ đạo, phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Cùng với đó phải chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng ở tỉnh và địa phương có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lưu thông đối với người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong tỉnh; lồng ghép nội dung thực hiện cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị...
Quỳnh Thu