Đến nay, 7/7 huyện, thị xã trong tỉnh đã thành lập BCĐ chương trình và bộ phận giúp việc BCĐ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM huyện, thị xã, đồng thời ban hành quy chế làm việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ và bộ phận thường trực giúp việc. 120/120 xã đã thành lập BCĐ, Ban quản lý, Ban phát triển thôn và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Ngoài ra, các xã còn thành lập các nhóm chuyên môn để tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn trên địa bàn, lập kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới và phối hợp với các đơn vị tư vấn để lập quy hoạch tổng thể xây dựng NTM…Toàn tỉnh có 103/120 xã đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; 59 xã đã phê duyệt quy hoạch chung; 55/120 xã đã phê duyệt đề án…
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã tích cực tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ban hành tài liệu tuyên truyền xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; đưa nội dung xây dựng NTM vào các hội nghị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể nhằm vận động, tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM. Tổ chức trên 700 hội nghị từ cấp tỉnh đến huyện, xã tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện…
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã vận dụng hướng dẫn từ Trung ương và kinh nghiệm của các tỉnh bạn, qua đó đã có những cách làm sáng tạo như: Phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ theo chuyên môn thuộc từng ngành phụ trách; tiến hành đồng thời xây dựng quy hoạch chung và xây dựng đề án xây dựng NTM cấp xã; quy hoạch và đề án xây dựng NTM của xã bắt buộc phải được người dân, cộng đồng dân cư và các đối tượng khác tham gia đóng góp ý kiến trước khi HĐND xã thông qua. Tỉnh cũng đã lựa chọn 25/120 xã chỉ đạo làm điểm hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Trong quá trình triển khai chương trình, các địa phương đã vận động nhân dân hiến đất kết hợp dồn điền, đổi thửa.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 40 xã với gần 3.000 hộ đã hiến hơn 14 ha đất, ước tính trị giá gần 15 tỷ đồng. Ngoài ra đã có gần 10 nghìn hộ dân ở 26 xã đóng góp tiền mặt, nguyên vật liệu, tài sản trên đất, công lao động với tổng giá trị gần 12 tỷ đồng để xây dựng NTM. Về nguồn vốn, BCĐ đã lồng ghép vốn từ các chương trình khác để xây dựng nông thôn mới; ưu tiên cho phát triển sản xuất tăng thu nhập; chọn hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng mà nhân dân được thụ hưởng trực tiếp, thường xuyên như đường giao thông thôn, xóm, nhà văn hóa thôn, đường trục nội đồng…
Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM, mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến hết quý II/2012 có 100% các xã hoàn thành lập quy hoạch chung và đề án xây dựng NTM được phê duyệt. Tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các nội dung đề án xây dựng nông thôn mới ở các xã trong toàn tỉnh. Chú trọng triển khai thực hiện tại 25 xã điểm; trước mắt ưu tiên chỉ đạo thực hiện các tiêu chí: Phát triển sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị, điện, bưu điện, nước sạch nông thôn… phù hợp với nguồn lực, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cộng đồng dân cư, phấn đấu hết năm 2012, mỗi xã đạt thêm từ 1-2 tiêu chí, nhất là tại 25 xã điểm.
Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020; triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua về đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tập trung tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" gắn với tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức; tổ chức khảo sát tham quan mô hình điểm xây dựng NTM cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã trực tiếp quản lý triển khai và thực hiện chương trình. Tập trung ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư cho xây dựng NTM năm 2012; lồng ghép phân bổ các nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn (15 chương trình mục tiêu Quốc gia) theo nguyên tắc: Vốn xây dựng cơ bản ưu tiên trả nợ cũ, thanh toán công trình dở dang… Coi trọng vốn đóng góp của nhân dân, đa dạng hình thức huy động bằng tiền, bằng ngày công, nguyên vật liệu và hiến đất…
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ, BCĐ Trung ương, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ cho Ninh Bình thực hiện chương trình; nghiên cứu, hướng dẫn, cụ thể hóa hơn Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM (nhất là các tiêu chí: Chợ nông thôn, tiêu chí về thu nhập, tiêu chí về hộ nghèo, tiêu chí cơ cấu lao động và tiêu chí về tiểu mục nghĩa trang) đảm bảo phù hợp với thực tế, nguồn lực của các địa phương để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện. Đồng thời tỉnh cũng đã đề nghị được áp dụng các chỉ tiêu về nông thôn mới cho 55 xã miền núi theo khu vực miền núi phía Bắc. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ sớm quyết định chủ trương giao đất lâu dài cho người nông dân sau năm 2013 để tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo định hướng sản xuất hàng hóa. Có cơ chế đặc thù cho các địa phương chủ động trong việc chuyển đổi đất lúa sang xây dựng hạ tầng NTM như công trình giao thông, thủy lợi, quy hoạch phát triển khu dân cư mới…
Nguyễn Thơm