Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2012 ước đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2011, gấp 44, 7 lần năm 1992. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1992- 2012 là 22,18%/năm. Sản xuất công nghiệp phát triển đã tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng kinh tế chung, cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo.
Các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đổi mới thiết bị, đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra sản phẩm có chất lượng, phù hợp với giá cả cạnh tranh trên thị trường và từng bước đưa ngành sản xuất vật liệu xây dựng trở thành ngành mũi nhọn; trong đó sản xuất xi măng, thép cán, gạch nung là những sản phẩm chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Năm 2011, các sản phẩm xi măng và clinker của các doanh nghiệp đã được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước và xuất khẩu với sản lượng đạt 8, 8 triệu tấn. Công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô đang được triển khai. Nhà máy lắp ráp ô tô Thành Công công suất 13.000 xe/năm, năm 2011 sản lượng đạt gần 2.600 chiếc. Nhà máy Phân đạm Ninh Bình công suất 56 vạn tấn /năm đã bắt đầu đi vào sản xuất, góp phần cân đối cung cầu sản phẩm phân bón sản xuất trong nước, giúp bà con nông dân chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất.
Các doanh nghiệp ngành may mặc, da giày cũng phát triển và đầu tư quy mô lớn, hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ, thị trường tương đối ổn định như: Nhà máy may Đài Loan, Nien hsing, Excel, Levis, sản xuất giày ADORA… Năm 2011, sản phẩm quần áo may sẵn đạt 27, 7 triệu sản phẩm, gấp gần 8 lần so với năm 1991; giày vải đạt 10, 8 triệu đôi …, đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tỉnh đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư thông thoáng, nhất là đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp, đó là: Khu công nghiệp Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp với tổng diện tích đất quy hoạch trên 707 ha. Đến nay đã thu hút 63 dự án đầu tư, trong đó 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Hai khu công nghiệp đã cấp giấy chứng nhận đầu tư là Khu công nghiệp Phúc Sơn và Khu công nghiệp Tam Điệp giai đoạn 2 với tổng diện tích đất quy hoạch là 235 ha. Toàn tỉnh có 9 cụm công nghiệp với diện tích trên 227 ha đang triển khai đã thu hút 165 dự án, trong đó 55 dự án của doanh nghiệp và 110 dự án của hộ kinh doanh với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 3.673 tỷ đồng, đã thu hút trên 3.900 lao động vào làm việc. Các dự án trong khu, cụm công nghiệp đang duy trì sản xuất ổn định, đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp của tỉnh.
Cùng với phát triển công nghiệp, tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Trong đó chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống như: Chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ. Đến nay, toàn tỉnh có 257 làng nghề, 69 làng nghề được công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề cấp tỉnh… Đặc biệt là các nghề truyền thống như chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ tiếp tục phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 25.000 lao động khu vực nông thôn.
Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong thời gian tới Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tạo điều kiện để phát huy tối đa công suất các nhà máy xi măng, dự án luyện cán thép, nhà máy sản xuất Đạm, Nhà máy lắp ráp ôtô Thành Công. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư có công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp phụ trợ thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, điện lạnh, ô tô, cơ khí, bia, chế biến hàng hóa nông sản.
Tập trung đổi mới công tác thu hút đầu tư theo hướng kêu gọi, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư đầu tư vào hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng, thủ tục đầu tư thông thoáng. Ban hành danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy Bia, dự án sản xuất và lắp ráp điện tử, điện lạnh tại Khu công nghiệp Phúc Sơn; dự án Nhà máy nhiệt điện tại KCN Khánh Cư...
Các cơ quan và chính quyền địa phương chủ động phối hợp làm tốt từ khâu giải phóng mặt bằng, thủ tục thu hồi đất, giao đất, thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phấn đấu tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm trên 16% và tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 48% trong GDP toàn tỉnh vào năm 2015.
Thanh Chiên