Qua đó cho thấy những giải pháp mà tỉnh đã triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành chức năng, những khó khăn chung của nền kinh tế sẽ còn kéo dài. Do đó, để duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ có khá nhiều "rào cản" cần được tháo gỡ kịp thời để doanh nghiệp sớm phục hồi lại sản xuất, kinh doanh...
Những dấu hiệu phục hồi của thị trường
Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, trong quý I, sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi với giá trị sản xuất ước đạt 5.470,6 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 2,2%; công nghiệp khai thác mỏ giảm 27,4%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt trên 4.674 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Công tác thu hút đầu tư đã có những kết quả tích cực, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu thị trường Ninh Bình. Hiện nay, tỉnh đang thu hút 4 dự án đầu tư các lĩnh vực may, dệt, nhuộm và điện tử trong đó có dự án đầu tư nhà máy sản xuất màn hình điện thoại, máy tính, điện tử của nhà đầu tư Hàn Quốc. 3 nhà đầu tư đang xúc tiến hoàn thành các thủ tục đầu tư; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 11 dự án với tổng số vốn đăng ký là trên 87 nghìn tỷ đồng và điều chỉnh cho 06 dự án với mức vốn tăng trên 500 tỷ đồng...
Những tín hiệu trên thể hiện mức tăng trưởng hợp lý, phản ánh được cơ cấu, tính chất sản xuất công nghiệp của tỉnh trong điều kiện bị ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, vấn đề đầu tư và lưu thông hàng hóa đã có dấu hiệu khả quan so với năm trước.
Đánh giá về mức tăng trưởng trong quý I, đồng chí Nguyễn Chí Tình, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: "Qua 3 tháng triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sức mua của thị trường chưa cải thiện nhiều, thời gian nghỉ Tết kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Song, nhiều chỉ tiêu về kinh tế của địa phương vẫn có bước tăng trưởng. Đây là nỗ lực lớn của các cấp, ngành cũng như khối sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Tuy nhiên, rõ ràng là những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và đối với các doanh nghiệp nói riêng vẫn còn rất nhiều và sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh".
Nhiều "rào cản" cần tháo gỡ
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tính đến 31/3 toản tỉnh có 4236 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và điểm kinh doanh đăng ký hoạt động. Tuy nhiên đến nay đã có 510 doanh nghiệp, chi nhánh quyết định giải thể doanh nghiệp.
Ông Dương Biên Thùy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nói: "Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp vẫn là vốn. Mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm những vẫn giữ ở mức cao, không nhiều doanh nghiệp vay được vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất dưới 10%. Số doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ngân hàng không nhiều, mức cho vay thấp chỉ bằng 50% giá trị tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng thiếu việc làm do các công trình xây dựng giảm so với trước.
Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tiêu thụ vẫn còn chậm. Nhiều công trình xây dựng dở dang chưa vay được vốn hoặc công trình đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán, trong khi đó lãi suất vay ngân hàng vẫn cao nên nhiều doanh nghiệp không dám vay để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp nợ dây truyền dẫn đến tình trạng thua lỗ và khó khăn, đình trệ sản xuất".
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho rằng giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào liên tục tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn thành kế hoạch sản xuất. Hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái nên việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và hàng hóa khác gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp tiêu thụ chậm, khó tìm được thị trường...
Đánh giá về những khó khăn của doanh nghiệp, tại Hội nghị đánh giá công tác sản xuất kinh doanh quý I của các doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng: Bên cạnh những khó khăn về mặt khách quan do nền kinh tế mang lại thì nhiều doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay vẫn còn đang hạn chế về năng lực tài chính và năng lực quản trị. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nguyên lý đầu tư: vốn tự có ít, vốn vay nhiều dẫn đến mất cân đối trong thu chi nội bộ doanh nghiệp, khi lãi suất tăng cao nên lâm vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản.
Một số doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tại của nền kinh tế. Đội ngũ giúp việc vừa thiếu, vừa yếu không có khả năng thực hiện dự án sau khi được cấp chứng nhận đầu tư. Thông tin về thị trường và tài chính chưa được các doanh nghiệp nắm bắt thường xuyên.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp ông Dương Biên Thùy kiến nghị: Nhà nước cần nghiên cứu để có những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn từng bước ổn định và phát triển. Tiếp tục nghiên cứu về chính sách thuế. Giảm tiền thuế đất cho doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giảm nợ cũ với lãi suất cao cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa về xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường mới, tiềm năng. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm của cán bộ phụ trách về doanh nghiệp tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nhân dân.
Đối với chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở KH&ĐT với vai trò là cơ quan tổng hợp nội dung và tham mưu với tỉnh đã xây dựng dự thảo kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với 6 giải pháp chủ yếu về cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cần tập trung trong năm 2014 như: giải pháp về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp; giải pháp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất; giải pháp về đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ cho các doanh nghiệp; giải pháp hỗ trợ, tiếp cận thị trường; giải pháp định hướng phát triển doanh nghiệp...
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm