Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Những năm gần đây, ngành Ngân hàng Ninh Bình tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ ngân hàng điện tử; tiếp tục phối hợp với các trường học, bệnh viện và các đơn vị có liên quan triển khai việc thanh toán học phí, viện phí và các dịch vụ công qua tài khoản ngân hàng. Riêng Vietcombank Ninh Bình được UBND tỉnh chọn triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu phí, lệ phí dịch vụ hành chính công tới 100% các sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Hiện các dịch vụ của Vietcombank đã kết nối trực tuyến với Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh Ninh Bình, cho phép tất cả các khách hàng của Vietcombank thực hiện thanh toán phí, lệ phí dịch vụ hành chính công thông qua kênh thanh toán trực tuyến.
Thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tập trung hỗ trợ khách hàng mở thẻ, tiếp cận với các dịch vụ tiện ích hiện đại trên nền tảng internet, tiếp tục mở rộng việc trả lương, thu nhập qua tài khoản; tuân thủ các quy định về hoạt động thanh toán thẻ, máy giao dịch tự động (ATM) và đảm bảo chất lượng dịch vụ an ninh, an toàn ATM. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ để phục vụ mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đạt hiệu quả cao, đồng bộ, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động.
Đến nay, các ngân hàng thương mại đã thực hiện trả lương qua tài khoản cho 919 đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh với 48.337 tài khoản. Tổng số máy ATM của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh là 128 máy; tổng số điểm chấp nhận thẻ là 475 điểm và tổng số máy POS là 525 máy. Các đơn vị cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hệ thống ATM trên địa bàn theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chất lượng dịch vụ hệ thống ATM ngày càng được nâng lên rõ rệt, hoạt động thông suốt, các thắc mắc, khiếu nại được giải quyết nhanh nhất, qua đó đã tạo được niềm tin cho khách hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trực tuyến. Trong đó, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực công như: Thu thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… cũng đã được các ngân hàng triển khai tích cực. Hiện phương thức thanh toán điện tử kết nối ngân hàng với kho bạc, thuế đang triển khai khá hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu thu, chi ngân sách của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, đã có trên 98% các giao dịch nộp thuế trong tỉnh thực hiện qua ngân hàng, các công ty điện lực, công ty cấp nước, một số trường học, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, học phí, viện phí qua ngân hàng.
Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình là một trong những ngân hàng không ngừng nỗ lực mang đến những dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới nhất và tốt nhất phục vụ khách hàng của mình. Ông Cao Trọng Bình, Trưởng Phòng dịch vụ Marketing, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã đã tập trung nguồn lực để đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng xu hướng thanh toán mới, mang lại thuận tiện nhất cho khách hàng, nhất là thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát phức tạp như hiện nay. Theo đó, ngân hàng kết nối với các đơn vị trả lương, thanh toán các khoản phí như tiền điện, nước..... Đến nay, Agribank Ninh Bình phát hành trên 114.000 thẻ thanh toán; 50 máy POS và 15 máy ATM được đặt ở các huyện, thành phố trong tỉnh.
Cũng như Agribank Ninh Bình, hàng loạt các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh kết nối với các ngành, lĩnh vực để cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng, triển khai thanh toán một số phí dịch vụ công qua ngân hàng còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và dữ liệu tập trung, chuẩn hóa chưa được đồng bộ nên các đơn vị, địa phương khó kết nối với ngân hàng để thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân cũng là một trở ngại lớn cần có thời gian để thay đổi.
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục làm tốt công tác tham mưu để hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời tiếp tục từng bước hiện đại hóa công nghệ và thiết bị thông tin; duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện có để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Bài, ảnh: Hồng Giang