Nỗ lực chạy đua với thời gian Về Yên Khánh những ngày này, trên khắp các cánh đồng, nông dân đang tất bật chăm sóc cây vụ đông ưa ấm, làm đất trồng cây ưa lạnh. Sau trận mưa lũ lịch sử, bà con đang quyết tâm, nỗ lực, bám đồng, bám bãi, để tiếp tục sản xuất…
Chị Nguyễn Thị Hoa, HTX nông nghiệp Đông Mai, xã Khánh Hải chia sẻ: Đợt mưa lụt vừa rồi, gia đình tôi có hơn 2 sào cà chua và rau cải nhưng do mưa dài ngày nên bị thối hỏng hết phải gieo trồng lại. Với đám ngô này nhờ được trồng sớm, lên luống cao nên không bị ảnh hưởng nhiều, đang phát triển xanh tốt, mấy ngày nay tranh thủ thời tiết thuận lợi tôi tiến hành làm cỏ, tỉa bỏ các lá già, hư hỏng cũng như bón phân để đón bắp.
Đồng chí Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Mục tiêu sản xuất vụ đông năm 2017 mà huyện đặt ra từ đầu vụ là gieo trồng 2.700 ha cây vụ đông các loại với giá trị ước đạt trên 187 tỷ đồng. Đến ngày 10/10, toàn huyện đã trồng được hơn 800 ha, cộng với diện tích ươm giống khoảng 1.000 ha.
Sau trận mưa lụt, có khoảng 70% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn, chỉ còn khoảng 100 ha diện tích bí xanh, ngô trồng cực sớm ở các xã như Khánh Hải, Khánh Hồng là còn khả năng khôi phục được. Trong điều kiện hết sức khó khăn như vậy nhưng Yên Khánh vẫn quyết tâm không bỏ sót cơ hội để sản xuất vụ đông.
Huyện quyết định hoãn một số hội nghị để cán bộ chuyên môn, nhất là các đồng chí lãnh đạo các xã tập trung cho việc khôi phục sản xuất. 9 tổ chỉ đạo sản xuất cây vụ đông cũng đã được thành lập.
Huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp trực tiếp liên hệ với các cơ quan của Trung ương, các công ty, doanh nghiệp để mời họ về hỗ trợ giống, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Nông nghiệp &PTNT, để khôi phục sản xuất, đặc biệt là đảm bảo diện tích cây trồng vụ đông, Sở đã sớm có chỉ đạo đối với các địa phương, trong đó yêu cầu phải nhanh chóng khắc phục các diện tích bị ngập; bờ vùng, bờ thửa bị hư hại.
Tùy theo điều kiện thực tế, kiên trì động viên, vận động bà con tranh thủ thời tiết để tăng vụ gieo trồng trên các chân đất. Tiến hành khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước, đảm bảo thoát hết nước trong ruộng để làm đất được thuận lợi. Hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc đối với những diện tích có thể phục hồi; chuẩn bị hạt giống để trồng lại với những diện tích bị thiệt hại hoàn toàn.
Ưu tiên trồng khoai tây và các loại cây rau đậu, cây truyền thống có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ; trồng lệch vụ, rải vụ nhằm tiêu thụ thuận lợi. áp dụng biện pháp làm bầu, làm đất tối thiểu đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho từng loại cây trồng ...
Sở cũng đã đề nghị với Trung ương hỗ trợ thiệt hại do thiên tai theo Nghị định 02 của Chính phủ, đồng thời xin cấp 715 tấn giống lúa, 50 tấn hạt giống ngô, 8 tấn hạt giống rau, 25 nghìn lít hóa chất, 30 tấn vicato để khôi phục sản xuất, xử lý môi trường chăn nuôi, thủy sản… Để đáp ứng thời vụ, sẽ ứng trước giống rau để cấp kịp thời cho người dân gieo trồng ngay trong 1-2 tuần tới.
Cần có sự chung tay của các doanh nghiệp
Thời vụ sản xuất cây vụ đông ưa ấm là không còn, do vậy toàn bộ cây vụ đông gieo trồng trong thời gian tới đều là các cây ưa lạnh, điều này đặt ra cho chúng ta áp lực rất lớn trong vấn đề tiêu thụ. Do đó, việc liên doanh, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để bà con nông dân yên tâm từ khâu đầu vào như giống, kỹ thuật đến khâu tiêu thụ sản phẩm là vấn đề hết sức cần thiết.
Theo ông Vũ Văn Nga, Giám đốc Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình: Vụ đông này Công ty liên kết với một số địa phương như xã Đồng Phong (huyện Nho Quan); các xã Khánh Mậu, Khánh Hồng, Khánh Nhạc, Khánh Hải (huyện Yên Khánh) để trồng các loại cây khoai lang, khoai tây, khoai sọ với tổng diện tích khoảng 150 ha. Theo đó, Công ty sẽ cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật, đồng thời đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân.
Được biết, mới đây, UBND huyện Yên Khánh đã mời Công ty của Orion Hàn Quốc, Viện Nông nghiệp Việt Nam về để ký kết hợp đồng trồng khoai tây cho chế biến. Nhờ vậy, sắp tới toàn huyện có khả năng sẽ mở rộng diện tích trồng khoai tây thêm được từ 35-80 ha so với kế hoạch.
Ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cũng cho biết: Phương châm của huyện là không sản xuất tràn lan mà phải có ký kết đầu ra, phải đảm bảo được hiệu quả kinh tế cho người dân thì mới tiến hành sản xuất.
Do vậy, thời gian vừa rồi chúng tôi đã tổ chức hội nghị mời một số doanh nghiệp trong đó có Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty dược Hoàng Thành... và lãnh đạo các xã, HTX để cùng nhau ngồi lại, bàn bạc, thống nhất tìm các giống cây có hiệu quả kinh tế cao nhất để đưa vào liên doanh, liên kết sản xuất.
Hà Phương