Kết quả, các địa phương trong tỉnh đã trồng được 20.332 ha cây vụ đông các loại, nhưng do ảnh hưởng của mưa lũ nên diện tích còn lại là 11.493 ha; trong đó cây đậu tương còn 3.206 ha, cây ngô 2.268,8 ha, cây lạc 139,5 ha, cây bí xanh 197,9 ha, khoai lang 1444,6 ha, khoai tây 839,4 ha, khoai sọ 159 ha, ớt xuất khẩu, rau màu 3.243,9 ha.
Vụ đông, giải quyết việc làm cho vùng nông thôn, tăng thu nhập cho người sản xuất, mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế khá cao. Chỉ tính riêng trong vụ đông xuân vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng của mưa lũ, nhưng giá trị sản xuất thu được là 252.066 triệu đồng; bình quân giá trị sản phẩm thu nhập/1 ha là 21,93 triệu đồng. Các địa phương đã lập quy hoạch, kế hoạch vùng sản xuất vụ đông theo lộ trình của tỉnh, trong đó mở rộng diện tích các loại cây trồng xuống vùng đất 2 lúa.
Vụ đông năm 2008, toàn tỉnh trồng 20.332 ha cây vụ đông các loại trên các vùng đất khác nhau, trong đó có 12.231,5 ha là đất 2 lúa, 3.174,6 ha là đất lúa màu… Để đảm bảo quy mô về diện tích, theo lộ trình đặt ra, với địa hình đồng ruộng của tỉnh nhà thì hướng đi chính của các địa phương là phải mở rộng diện tích cây vụ đông xuống vùng đất 2 lúa. Do vậy, công tác quy hoạch vùng sản xuất vụ đông phải được làm trước một bước. Trên cơ sở đó mà bố trí các công trình thủy lợi đầu mối, hệ thống kênh tưới tiêu và nạo vét thủy lợi nội đồng. Đây là điều kiện tiên quyết để có được một vùng sản xuất vụ đông.
Thực hiện Quyết định 1799/QĐ-UBND ngày 30-8-2006 của UBND tỉnh, đến nay các địa phương đã xây dựng được 18 công trình đầu mối (trạm bơm, hệ thống kênh cấp 1, cống điều tiết chính) phục vụ cho sản xuất vụ đông. Trên cơ sở vùng sản xuất vụ đông đã được duyệt, ngay từ đầu năm kế hoạch, UBND các huyện, thị, thành phố đã phải chỉ đạo rà soát lại quy hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, trong từng vụ, nhằm đảm bảo được khung thời vụ tốt nhất cho gieo trồng cây vụ đông.
Nhìn chung trong các vụ đông qua, giống cây trồng được đưa vào đồng ruộng khá phong phú: đậu tương, ngô, khoai tây, cà chua, dưa bao tử, khoai lang, bí xanh, lạc, khoai sọ, ớt xuất khẩu, rau các loại… Nhưng diện tích cây đông lớn và nhiều, chủ yếu là: đậu tương 7.332,7 ha; rau các loại 5.068,8 ha; ngô 3.228,7 ha; khoai lang 2.294,8 ha; khoai tây 1.347 ha…
Diện tích cây đậu tương trên đất 2 lúa tăng nhanh do chi phí đầu tư cho sản xuất thấp, kỹ thuật gieo trồng không phức tạp, hiệu quả kinh tế tuy không cao nhưng tỷ lệ lãi suất cao hơn các loại cây trồng khác. Một số cây trồng như ngô, khoai tây…diện tích tăng chậm là do chi phí về giống, phân bón cao, tốn nhiều công sức. Riêng cây ngô còn phụ thuộc vào khung thời vụ. Các loại cây trồng cho sản phẩm xuất khẩu như: ớt, dưa chuột, ngô ngọt, ngô bao tử… phụ thuộc nhiều vào đầu ra của sản phẩm nên diện tích trồng ở các địa phương không lớn.
Như vậy, xét về mặt diện tích thì sản xuất vụ đông các địa phương đang đi theo đúng lộ trình của tỉnh đặt ra đến năm 2010 đạt trên 25.000 ha cây vụ đông.
Đinh Chúc