PV: Xin ông cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay. Ông Phạm Đăng Khuyến: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển và lớn mạnh của các doanh nghiệp trong cả nước, trong tỉnh, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của huyện đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng.
Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp được nâng lên.
Nhìn lại từ khi tái lập huyện năm 1994 trên địa bàn huyện chỉ có 10 doanh nghiệp, đến nay huyện đã có gần 200 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Hàng năm doanh thu ước đạt hàng chục nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 20 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 10.000 nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng; các quyền lợi của người lao động như BHXH, BHYT, ngày lễ, ngày tết... được đảm bảo.
Nhiều doanh nghiệp vẫn ổn định và mở rộng được sản xuất, kinh doanh, điển hình là Công ty TNHH xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa, Doanh nghiệp Hồng Quang, Doanh nghiệp sản xuất nấm Hương Nam, Công ty may Yên Thành, Xí nghiệp May Hoa Hường và doanh nghiệp xây dựng Tín Nghĩa, Bình Minh, Đức Quân…
Đặc biệt là trong phong trào "Chung tay xây dựng nông thôn mới", các doanh nghiệp đã tích cực tham gia đầu tư xây dựng nhiều công trình trong xây dựng nông thôn mới của huyện, nhất là đối với 10 xã đã về đích nông thôn mới, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư thực hiện các công trình, dự án chưa có nhưng các doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhiều công trình như: Nhà văn hóa xã, trung tâm xã, trường học, trạm Y tế, đường giao thông nông thôn…góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; hỗ trợ giống, phân bón, máy móc để phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã luôn nêu cao ý thức trách nhiệm với xã hội.
Hàng năm đã tích cực đóng góp kinh phí hàng chục tỷ đồng ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, khuyến tài, ủng hộ và trực tiếp hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, chung sức vì cộng đồng, thể hiện tinh thần "tương thân tương ái", "Lá lành đùm lá rách" của các doanh nhân, doanh nghiệp.
PV: Với vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và Nhà nước, Hội doanh nghiệp huyện đã có những hoạt động gì để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Phạm Đăng Khuyến: Với vai trò đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước, Hội Doanh nghiệp huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp cho các doanh nghiệp hội viên cải thiện được môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển bền vững như: tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, tham vấn, đối thoại giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, kịp thời nắm bắt tình hình phản ánh, đề xuất, kiến nghị với huyện, Tỉnh, kịp thời giải quyết những việc liên quan đến tiền thuê đất, thuế, lãi suất ngân hàng, cải cách thủ tục hành chính ở các khâu đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế...
Cùng với đó, Hội còn tích cực tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý, phổ biến các chính sách thuế, Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản... để các doanh nghiệp thực hiện đúng chính sách, pháp luật; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp, giúp đội ngũ này vận hành bộ máy nhân lực, nguồn vốn, khoa học công nghệ một cách thông suốt, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn...
Trong những năm qua, Hội đã phối hợp cùng với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức tập huấn cho hàng trăm lượt người tham gia các lớp chuyên đề quản trị lao động và tiền lương, quản trị về nguồn vốn, về kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng.
Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận thị trường một cách tự tin hơn.
Với sự hỗ trợ của Hội, cùng sự nỗ lực vượt khó của nhiều doanh nghiệp thành viên, các doanh nghiệp thuộc Hội đã mạnh dạn, tự tin, có nhiều giải pháp để phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, cơ cấu lại tổ chức bộ máy và phương án sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển ở những mặt lợi thế. Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua những khó khăn, thử thách trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm vừa qua.
Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp đã duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản phẩm tìm được hướng tiêu thụ ổn định, đời sống người lao động được đảm bảo, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, thu hút và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần tích cực vào công tác giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
PV: Xin ông cho biết những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Phạm Đăng Khuyến: Những tháng cuối năm 2015, còn nhiều khó khăn thách thức, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy truyền thống, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng vươn lên, khai thác tốt tiềm năng, tận dụng thời cơ, cơ hội, linh hoạt, nhạy bén; tích cực đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Hội Doanh nghiệp huyện tiếp tục nâng cao vai trò đoàn kết, phát triển hội viên, gia tăng mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa các hội viên.
Đặc biệt, nâng cao vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, tham mưu với huyện, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có đủ năng lực, phẩm chất để quản lý vận hành doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp phải đoàn kết, hỗ trợ nhau, khắc phục khó khăn về vốn và thị trường, thực hiện tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động và hoàn thành 100% nghĩa vụ đối với nhà nước.
Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp doanh nghiệp, phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng, xứng đáng là đại diện, chỗ dựa tin cậy của các doanh nhân, doanh nghiệp. Tiếp tục hướng dẫn, tư vấn, cung cấp thông tin về thương mại, pháp lý, kinh tế, khoa học, công nghệ, kỹ thuật, quản lý, trao đổi thông tin, ý kiến giữa các doanh nghiệp và với các tổ chức.
Tổ chức các hoạt động hỗ trợ hợp vốn đầu tư, hợp tác, thiết lập và phát triển mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước. Nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp để phản ánh, đề đạt với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh.
Thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp để giúp tiêu thụ, trao đổi sản phẩm của doanh nghiệp, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Tổ chức các hoạt động tham quan du lịch, tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước và các hoạt động về giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, hội thảo, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Tổ chức các lớp đào tạo thích hợp nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, khoa học, công nghệ…cho các doanh nghiệp, góp phần, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Chiên (thực hiện)