P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm?
Đồng chí Hoàng Văn Vịnh: Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế lớn suy thoái, kinh tế trong nước suy giảm, sản xuất gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, kinh tế tỉnh Ninh Bình trong 6 tháng đầu năm bước đầu đã vượt qua được một số khó khăn, vẫn đảm bảo mức tăng trưởng khá (GDP tăng 13,24%). Sự phát triển thể hiện trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.265 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ... Về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ổn định và phát triển, vụ lúa đông xuân tăng cả về diện tích, năng suất, điển hình là việc mở rộng diện tích lúa cao sản, tính chung sản lượng cây lương thực có hạt 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 271,5 nghìn tấn; đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định; diện tích nuôi trồng thủy sản tăng; công tác phòng, chống lụt bão được thực hiện tốt từ tỉnh đến cơ sở.
Các hoạt động dịch vụ thương mại, du lịch phát triển đa dạng, phong phú, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 24,4 triệu USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch phát triển mạnh, tăng cả về số lượt khách, số ngày khách cũng như doanh thu, số lượt khách ước đạt 1,23 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 114,1 tỷ đồng, tăng 56,7% so với cùng kỳ.
Đầu tư phát triển tăng mạnh, 6 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 4.943,7 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 70,6% kế hoạch năm. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã thực hiện được vai trò kích cầu đầu tư, duy trì tăng trưởng (6 tháng đầu năm bổ sung và tạm ứng đạt 1.163,43 tỷ đồng, tăng 81,7% so với giao đầu năm).
Các công trình được quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện như các dự án phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bệnh viện 700 giường, hàn khẩu đê biển Bình Minh III, đường 481, đê tả, hữu Hoàng Long, đê Đức Long - Gia Tường - Lạc Vân. Thu hút đầu tư được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm chấp thuận 16 dự án của các doanh nghiệp, cấp đăng ký kinh doanh mới cho 272 doanh nghiệp. Các giải pháp về tín dụng được tích cực thực hiện. Thu ngân sách đạt kết quả tốt, với trên 977 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ.
P.V: Thưa đồng chí, yếu tố nào tạo nên điểm nhấn cho kinh tế Ninh Bình trong thời gian qua?
Đồng chí Hoàng Văn Vịnh: Có thể khẳng định, cùng với các chính sách kích cầu và hỗ trợ sản xuất của Chính phủ, yếu tố thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, tạo nên điểm nhấn, đó là: Sự điều hành kịp thời, linh hoạt các giải pháp kích cầu theo chỉ đạo của Chính phủ, sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong việc thực hiện tốt các nhóm giải pháp trọng tâm được thể chế trong Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 26-2-2009 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ, cụ thể:
Đối với nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, tỉnh tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách và các kế hoạch thực hiện như chính sách thu hút đầu tư khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; chính sách thu hút đầu tư vào khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình.
Thực hiện tốt và có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Thực hiện miễn, giảm, hoãn, chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thuế khác để doanh nghiệp có thêm vốn tái đầu tư. Trong 6 tháng, toàn tỉnh đã có trên 15 nghìn khách hàng được vay hỗ trợ lãi suất với tổng dư nợ cho vay đạt trên 3.400 tỷ đồng, số tiền lãi vay đã thực hiện hỗ trợ là 22,74 tỷ đồng.
Đối với nhóm giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng: Để đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thực hiện kế hoạch xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đến năm 2010; kế hoạch xây dựng bệnh viện 700 giường; kế hoạch sản xuất 10 triệu tấn xi măng/năm và 30 vạn tấn thép/năm đến năm 2010... Bên cạnh đó, dùng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ có mục tiêu, vốn ứng trước kế hoạch năm 2010) để kích cầu đầu tư cho các lĩnh vực thủy lợi cấp bách, đường đến trung tâm xã, kiên cố hóa trường, lớp học, các trung tâm y tế...
Đối với nhóm giải pháp an sinh xã hội, xác định ngay từ đầu năm 2009 tỉnh đã rà soát đánh giá 1 năm thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng cho 23 xã nghèo của tỉnh, tiếp tục triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, tín dụng ưu đãi cho người nghèo, thực hiện đề án cho vay vốn đối với xuất khẩu lao động... Triển khai thực hiện Đề án số 02/ĐA-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh về cải tạo, xây mới và sửa chữa nhà dột nát; Nghị quyết số 08/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà cho các hộ nghèo, chính sách.
Đối với nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành cần tập trung vào việc chủ động trong công tác dự báo, phân tích; tăng cường thực hiện cải cách các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (thành lập doanh nghiệp 5 ngày; thẩm định dự án vốn ngân sách từ 10-25 ngày theo loại dự án; thẩm tra dự án vốn doanh nghiệp 15 ngày).
P.V: Theo đồng chí, đạt những chỉ tiêu kinh tế năm 2009 trong thời gian 6 tháng còn lại liệu có khả thi?
Đồng chí Hoàng Văn Vịnh: Có thể nhận định rằng nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi dần do nỗ lực phối hợp chống khủng hoảng và tác dụng của gói kích thích kinh tế lớn mà các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đang thực hiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được kiểm soát và giữ ổn định, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh; sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp phát triển thuận lợi; sức mua thị trường trong nước tăng dần.
Đối với Ninh Bình, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009 đã có những dấu hiệu khả quan nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức trong những tháng còn lại của năm 2009. Do vậy, công tác chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp cần tập trung, thống nhất, có trọng tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thì việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch là có thể đạt được.
Để chủ động đối phó và khắc phục khó khăn, đặc biệt là phải tập trung đẩy mạnh thực hiện một số chỉ tiêu còn thấp so với kế hoạch trong 6 tháng đầu năm như, giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, giải pháp chính là tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 26-2-2009 của UBND tỉnh, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là phải tập trung mọi nỗ lực để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải khắc phục khó khăn, huy động tối đa công xuất nhà máy đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch giao. Về sản xuất nông nghiệp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ mùa, đảm bảo gieo cấy đúng thời vụ, cơ cấu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, thực hiện miễn thủy lợi phí cho nông dân theo đúng Nghị định 115/NĐ-CP đảm bảo hiệu quả và các đơn vị phải chủ động phòng, chống lụt bão, tích cực kiểm tra đê, đập, kè, cống, những điểm xung yếu, thực hiện nghiêm phương án "4 tại chỗ", hạn chế thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng các mặt hàng, nhất là hàng nông sản, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ của địa phương, tăng tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp để đạt giá trị cao. Nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch, thu hút khách du lịch, góp phần tăng doanh thu.
Đẩy mạnh các biện pháp thu thuế, hoàn thành chỉ tiêu thu 1.900 tỷ đồng. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu về giáo dục, y tế, dân số, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo và việc làm; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền vững mạnh, tăng cường công tác quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Các ngân hàng thương mại đảm bảo đủ các điều kiện để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn theo quy định. Trong đầu tư phát triển bằng vốn ngân sách Nhà nước, cần tập trung chỉ đạo, tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các nguồn vốn (nhất là vốn trái phiếu Chính phủ) để sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả, góp phần duy trì tăng trưởng, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, như các công trình hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các dự án tiến tới xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ, các dự án giao thông đến trung tâm xã, các dự án y tế, giáo dục, các dự án phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hoàng Tâm (Thực hiện)