Từ một người chỉ biết làm nghề nông, giờ chị Nguyễn Thị Đoan, xã Văn Phú (huyện Nho Quan) đã là công nhân của một tổ hợp may với mức lương đều đặn trên 5 triệu đồng/tháng. Không phải đi xa nhà, nên ngoài giờ làm ở xưởng may, chị Đoan vẫn đảm đương việc cày cấy 8 sào ruộng, đảm bảo lương thực cho gia đình và chăn nuôi.
Ở xưởng may của chị Đoan, không ai phải bỏ ruộng để làm công nhân cả. Những lúc thời vụ, công ty tạo điều kiện để công nhân nghỉ luân phiên thu hoạch lúa. Hơn nữa, có lương ổn định, người lao động sẵn sàng bỏ tiền để thuê thêm người làm phụ nên việc sản xuất nông nghiệp được hoàn thành nhanh chóng.
"Chúng tôi đã được doanh nghiệp trực tiếp dạy nghề theo kiểu "cầm tay chỉ việc". Vừa học vừa làm, người lao động đã có thể có thu nhập dựa vào số sản phẩm làm ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, đa số chúng tôi đã thạo nghề và đạt được mức lương đáng kể. Trước đây, để kiếm được khoản tiền này, chúng tôi phải vất vả đi làm thuê ở khắp nơi"- chị Đoan chia sẻ.
Xã Văn Phú hiện có trên 6.000 nhân khẩu, trong đó, có trên 3.000 người trong độ tuổi lao động. Số lao động làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 90%. Đời sống của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và vấn đề tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn thực sự là một bài toán khó.
Trước đây, xã cũng đưa vào dạy cho lao động một số nghề thủ công, song duy trì không được lâu vì ngày công lao động thấp. Với việc thành lập các công ty nhỏ, các tổ hợp may tại địa phương được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn xã Văn Phú có Công ty May Văn Phú và 3 tổ hợp may đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương, trong đó chủ yếu là phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nho Quan cho biết: Kết quả rà soát hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều cuối năm 2019, toàn huyện có 1.245 hộ phụ nữ nghèo (trong đó, có 849 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ). Trên cơ sở xác định nguyên nhân nghèo, Hội Phụ nữ huyện đã phân công cán bộ giúp đỡ, đăng ký giúp 54 hộ thoát nghèo.
Để tạo điều kiện cho hội viên thuộc hộ nghèo nói riêng, hội viên phụ nữ nói chung vươn lên trong phát triển kinh tế, từng bước khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Nho Quan đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên.
Theo khảo sát, lao động nữ của huyện Nho Quan chiếm trên 60% lực lượng lao động nông nghiệp trong huyện. Lực lượng lao động nữ đã tích cực thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, là lực lượng chủ lực trong việc ứng dụng những tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, tích cực đưa những cây trồng, con nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất… Từ đầu năm tới nay, các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp với các công ty may mặc, giày da, điện tử, giới thiệu việc làm cho hơn 300 phụ nữ có việc làm ổn định.
Cũng như huyện Nho Quan, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Bà Lại Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ pháp lý thành lập 10 hợp tác xã do phụ nữ quản lý, với 134 thành viên tham gia. Hội Phụ nữ tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu 7 đề xuất ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp tiêu biểu tham gia Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019, trong đó có 1 ý tưởng đạt giải và được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ thực hiện. Đó là Đề án "Xây dựng mô hình tổ hợp tác chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học" tại xã Phú Long (huyện Nho Quan). 100% cơ sở Hội đăng ký giúp đỡ 185 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hiệu quả trong năm 2019.
Cùng với đó, Hội Phụ nữ các cấp phối hợp với các Trung tâm dạy nghề cấp huyện và doanh nghiệp, tổ chức 737 lớp dạy nghề đan cói, bèo bồng, đan nhựa trên khung sắt, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm cho 30.365 học viên; giới thiệu việc làm cho 37.974 phụ nữ; tạo điều kiện cho 78.250 lượt người vay vốn ưu đãi, với tổng số vốn là 2.710 tỷ đồng, trong đó có 14.269 lượt phụ nữ nghèo…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ đã giúp 3.299 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vào cuối năm 2019 còn 2,57%. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, hội viên đóng góp thăm hỏi, động viên, trao tặng trên 25 nghìn suất quà cho các gia đình chính sách, cán bộ Hội khó khăn, hội viên, phụ nữ nghèo, đơn thân, tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ sửa chữa và xây mới 242 "Mái ấm tình thương"...., với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng.
Với việc được hỗ trợ, động viên để độc lập trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần khích lệ, vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"… Đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020.
Bài, ảnh: Đào Hằng