Huyện Gia Viễn là đơn vị đạt nhiều kết quả tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ. Nổi bật, trong năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện ước đạt trên 6.200 tỷ đồng, tăng trên 12% so với năm 2015. Sự chuyển dịch tích cực ấy được dự báo sẽ ngày càng rõ nét khi hiện nay, trên địa bàn huyện Gia Viễn, có nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) hoạt động hiệu quả, đang tích cực thu hút đầu tư. Đơn cử như KCN Gián Khẩu với hàng chục doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Trong năm 2016, CCN Gia Phú và Gia Vân với diện tích trên 100 ha đang được đẩy nhanh tiến độ san lấp, tạo lập môi trường đầu tư. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cũng không ngừng mở rộng sản xuất. Để thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư tại các KCN, CCN, ngoài việc chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, một vấn đề trọng tâm đã được huyện Gia Viễn quan tâm nhằm thu hút đầu tư đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, có tay nghề và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Theo đó, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và mỗi địa phương tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác đào tạo nghề.
Theo ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện, một thuận lợi nữa đối với địa phương đó là nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành may mặc đóng trên địa bàn là rất lớn. Không chỉ thu hút lao động vào làm việc tại KCN, nhiều doanh nghiệp còn về tận các xã để mở xưởng may vệ tinh. Đây là cơ hội lớn đối với lao động, nhất là lao động nữ. "Thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đào tạo nghề cho lao động. Doanh nghiệp cử cán bộ chuyên môn trực tiếp dạy nghề cho học viên. Đồng thời, cung cấp các trang, thiết bị cho người lao động học nghề. Nhờ đó, phần lớn học viên sau khi học xong đều được bố trí việc làm, đáp ứng được yêu cầu công việc"- ông Trần Văn Lâm nói.
Ông Nguyễn Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, công tác đào tạo nghề không chỉ nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của lao động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm với mức thu nhập ổn định cho người lao động mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề theo hướng công nghiệp hóa đã dẫn tới sự chuyển dịch lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Qua đào tạo nghề, người lao động đã đổi mới cách làm ăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc tìm được việc làm mới có thu nhập cao hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương theo tiêu chí nông thôn mới.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông và các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn… đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dạy nghề cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và người lao động về vai trò của công tác dạy nghề. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên các cơ sở dạy nghề, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 cơ sở đủ điều kiện hoạt động dạy nghề, trong đó có 4 trường Cao đẳng; 4 trường Trung cấp; 15 Trung tâm và 7 cơ sở dạy nghề. Các cơ sở chuyển từ đào tạo nghề cho người lao động theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của người học nghề và yêu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức Hội thi tay nghề giỏi, thu hút hầu hết các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh tham gia và tích cực tham gia Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc. Năm 2016, tỉnh ta đã tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII, qua kỳ thi đã lựa chọn được 6 thí sinh xuất sắc tham dự Kỳ thi tay nghề cấp quốc gia lần thứ IX tổ chức tại Hà Nội, kết quả có 1 em đạt giải 3 và 2 em đạt giải khuyến khích. Thành lập đoàn tuyển tham dự Hội thi thiết bị tự làm toàn quốc lần thứ V năm 2016, kết quả đoàn tuyển Ninh Bình đạt 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 3 giải khuyến khích.
Đặc biệt, để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, hàng năm, các địa phương đều tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động đối với từng nghề. Trên cơ sở đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng, triển khai kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp. Để tạo thuận lợi cho người lao động, các lớp đào tạo nghề được tổ chức linh động, đưa về địa phương, cơ sở sản xuất, người lao động không phải đi xa và tăng được thời gian thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề.
Trong năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 17.000 người, đạt 100% kế hoạch năm, trong đó đào tạo dài hạn là 5.000 người. Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 43%, có 1.065 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất và mức thu nhập cao hơn. Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong năm 2016, tính riêng ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 6 hội nghị triển khai, tập huấn về chính sách đào tạo nghề cho 966 lượt người; 1 lớp kỹ năng sư phạm dạy học cho 20 giáo viên và người dạy nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2016, toàn tỉnh đã đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 12.000 người, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề từ ngân sách nhà nước là 1.332 người, đào tạo nghề phi nông nghiệp là 803 người, đào tạo nghề nông nghiệp là 529 người. Người lao động sau khi được đào tạo đã nắm vững kiến thức kỹ năng nghề cơ bản, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Những lao động sau học nghề nông nghiệp đều tổ chức sản xuất hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn.
Đào Hằng