Có mặt tại một số chợ trên địa bàn thị xã Tam Điệp nhận thấy, các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm, rau củ quả được bày bán nhiều, không khí mua bán đã khá tấp nập. Các loại lương thực, thực phẩm khô có thể để được lâu như gạo nếp, đậu xanh, lạc, măng, miến, mộc nhĩ… đã được các chủ hàng nhập về với số lượng lớn bán phục vụ Tết. Bà Trúc, người kinh doanh các mặt hàng lương thực và hàng khô cho biết, năm nay do thông tin tăng lương cho khối doanh nghiệp từ ngày 1-1-2013, rồi giá điện mới được điều chỉnh tăng nên đã phần nào tác động đến giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Gạo nếp ngon có giá 18 nghìn đồng/kg, đỗ xanh loại đẹp giá 40 nghìn đồng/kg; măng khô ở thời điểm này đã tăng lên 200 nghìn đồng/kg; hành khô 60 nghìn đồng/kg, hầu hết các mặt hàng đều tăng từ 1,5 đến gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái...
Tại chợ Rồng (thành phố Ninh Bình), không khí mua sắm các mặt hàng phục vụ Tết cũng sôi động không kém. Sự đa dạng, phong phú ở các quầy hàng rau, củ, quả giúp người mua buôn, mua với số lượng lớn thoải mái lựa chọn. Nhưng đông hơn và chiếm số lượng lớn vẫn là các quầy bán bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hạt bí phục vụ Tết. Chị Thảo, chủ một quầy bán bánh kẹo khu chợ Rồng cho biết: Hàng hóa năm nay khá phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp, giá cả cũng không tăng là mấy. Theo cá nhân chị, sức mua chậm hơn so với năm trước, bởi cũng vào thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày chị xuất bán vài yến kẹo, hạt dưa, hạt bí… song năm nay, các mối hàng cũ cho biết tiền mặt khan hiếm nên không muốn lấy nhiều hàng, vả lại còn thăm dò thị trường nông thôn xem nhu cầu người dân như thế nào, nên trước mắt chỉ lấy cầm chừng để chào hàng, giáp Tết sẽ quyết định lấy nhiều hay ít hơn.
Bên cạnh những mặt hàng sản xuất trong nước có đủ bao bì, tem nhãn, nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác ghi nơi sản xuất, hạn sử dụng cũng như hướng dẫn bảo quản… vẫn được bày bán công khai. Theo nhiều chủ hàng, đây là loại bánh kẹo được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và tính theo cân nên không có bao bì và "hạn sử dụng". Các loại quả làm mứt như bí xanh, táo, vải, nhãn, ô mai… được bỏ trong túi nilon, trọng lượng từ 0,5 - 1 kg trở lên nhưng không hề có một thông tin nào về thành phần, chất lượng sản phẩm cũng như nơi sản xuất, hạn sử dụng… Giá cả các loại bánh kẹo cũng rất đa dạng, nếu là loại kẹo có đủ nhãn mác của các nhà sản xuất thì có giá 80-90 nghìn đồng/kg, còn với các loại kẹo đựng trong túi ni-lon hoặc từng thùng lớn giá chỉ có 30-40 nghìn đồng/kg. Những mặt hàng này chủ yếu để bán buôn cho khách hàng ở các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện lên lấy cất. Chị Lê Thị Hường, xã Khánh Cường (Yên Khánh) đang đóng một bao lớn gồm các loại bánh, mứt, kẹo cho biết, cứ vào dịp trước Tết Nguyên đán gần 1 tháng, chị lại lên đây mua về đóng thành từng gói nhỏ để bỏ mối cho các cửa hàng bán lẻ trong thôn, trong xã. Khi hỏi về chất lượng và các chỉ số cần có của sản phẩm, chị Hường vui vẻ cho biết, ở quê, người mua ít quan tâm đến các tiêu chuẩn đó, miễn là "ngon và rẻ"...
Cùng với sự sôi động của các mặt hàng bánh kẹo, rau củ, lương thực…, các cơ sở sản xuất thực phẩm cũng bắt đầu lên kế hoạch mua nguyên liệu, chuẩn bị nhân công sản xuất hàng Tết, trong đó các cơ sở sản xuất giò chả, nem mọc, bánh chưng… là bận rộn hơn cả vì đây là những món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền. Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ một cơ sở sản xuất giò chả phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết, những năm trước, vào thời điểm giáp Tết chị đã bán hàng chục kg giò/ngày, do cuối năm nhiều gia đình tổ chức cúng lễ, tạ mộ; nhiều người còn đặt hàng trước cả tháng từ 5-7kg để gia đình dùng dịp Tết và biếu anh em, bạn bè; nhưng năm nay, lượng mua giảm hẳn, người đặt hàng trước cũng ít hơn.
Theo một cán bộ chuyên trách về công tác ATVSTP thành phố Ninh Bình, hiện trên địa bàn thành phố có gần 1.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, quán ăn lớn… Qua kiểm tra thường xuyên và đột xuất cho thấy, tình hình vi phạm về VSATTP vẫn diễn ra khá phổ biến. Đó là tình trạng hàng hóa gói sẵn không có tem, nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng vẫn còn được bày bán; tình trạng giết mổ gia cầm tùy tiện, thịt các loại để ướp đá lâu ngày bốc mùi ôi thiu vẫn được đưa vào sử dụng; giò chả có chứa hàn the, thịt quay, nem có chất bảo quản ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng… vẫn được bày bán công khai và càng ở những nơi trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn thì tình hình vi phạm càng lớn.
Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nhất là vào dịp cuối năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyền truyền nhằm cảnh báo, răn đe các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người tiêu dùng. Dịp giáp Tết Quý Tỵ, Chi cục thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm nâng cao ý thức cho người kinh doanh, kiên quyết xử phạt nghiêm minh các lỗi vi phạm, xử lý dứt điểm các vụ việc nổi cộm, tiêu hủy hàng loạt các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm vào nền nếp. Nhưng thực tế cho thấy, việc kiểm tra, xử lý trong các đợt thanh tra, kiểm tra chỉ là giải pháp tạm thời, tình thế để ngăn chặn một phần những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm bởi thực tế còn khá nhiều hàng hóa, thực phẩm trôi nổi không thể kiểm soát, ngăn chặn được, vì vậy, bản thân người tiêu dùng nên sáng suốt lựa chọn những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân…
Mỹ Hạnh