Trước thực trạng trên, các Bộ, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy lùi thực phẩm bẩn và chất cấm trong chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị, đồng thời có các công điện chỉ đạo về việc triển khai đợt cao điểm hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, đã bước đầu ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời, Bộ cũng chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ đầy đủ các quy định về đảm bảo VSATTP. Đồng thời tăng cường tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm khi việc ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa triệt để, tỷ lệ mẫu rau chứa chứa tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật còn cao, vẫn còn tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản…
Từ thực trạng trên, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 là cần giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm một cách căn cơ, từ gốc, bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tập trung tạo đột phá, chuyển biến ở 4 lĩnh vực chính: chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ, phân bón khác.
Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, công tác truyền thông về VSATTP đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Theo đó, công tác tuyên truyền cần được triển khai bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành và UBND các cấp về an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm và kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm, tác hại của thực phẩm không an toàn.
Đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rau thịt an toàn; nói không với chất cấm trong chăn nuôi; thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia. Tuyên truyền, phổ biến, tăng cường nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, VSATTP theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp; thanh tra, kiểm tra tập trung chủ yếu dưới hình thức đột xuất, phát hiện và chấn chỉnh cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tiến hành thanh tra, kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuât, kinh doanh, sơ chế, chế biến rau thịt; việc thực hiện các cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Chúng ta đang trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm được tổ chức từ ngày 15-4 đến 25-5-2016 với chủ đề "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau thịt an toàn". Ngày 23-4, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đã tổ chức lễ phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2016. Triển khai thực hiện tốt Tháng hành động vì an toàn thực phẩm sẽ tạo ra bước đột phá, sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật về VSATTP, đồng thời nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Minh Châu