Theo thống kê của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 59 xã, phường thuộc 42 huyện, quận của 14 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 66.497 con. Đáng lưu ý là đã xuất hiện 4 ca bệnh mắc cúm A/H5N1 trên người, trong đó có 2 ca tử vong. Về dịch tai xanh hiện nay cả nước còn 2 tỉnh là Điện Biên và Yên Bái có dịch chưa qua 21 ngày. Ninh Bình cũng là một trong những tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm. Hiện ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung lực lượng, phương tiện thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm giám sát, khống chế dịch bệnh, trong đó có đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin vụ xuân hè.
Tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện Yên Khánh hiện nay khoảng 570 nghìn con. Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của huyện phát triển ổn định, ngay từ đầu năm Trạm thú y đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và huyện về việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với phương châm "Phòng là chính, cơ sở là chính, người dân là chính"; phát hiện sớm, xử lý gọn, bao vây ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Trạm cũng chỉ đạo cán bộ thú y các xã tích cực tham mưu, phối hợp với chính quyền xã trong công tác tiêm phòng và chống dịch. Xã Khánh Thủy là một trong những xã có đàn gia súc, gia cầm lớn của huyện với gần 43 nghìn con đã làm tốt công tác chỉ đạo, phối hợp này. Ông Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy cho biết: Xác định chăn nuôi là một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã, do vậy hàng năm chính quyền xã đã quán triệt, chỉ đạo các HTX, chính quyền các thôn... tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi ý thức được lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin, đồng thời chấp hành nghiêm các đợt tiêm phòng của tỉnh. Năm 2012, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm phòng vụ xuân hè ngay từ những ngày đầu năm, theo đó huy động các ban, ngành, các tổ chức cùng tham gia. UBND xã tổ chức ký cam kết giữa người chăn nuôi và chính quyền về công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Đối với những hộ không tự giác chấp hành nếu dịch bệnh xảy ra bị tiêu hủy thì không được hỗ trợ của Nhà nước. Với cách làm này, ngay trong những ngày đầu tổ chức tiêm phòng, xã đã có 10/10 thôn hoàn thành kế hoạch tiêm phòng.
Cùng với huyện Yên Khánh, hiện nay nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang tích cực triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Theo kế hoạch, đợt tiêm phòng vụ xuân hè này toàn tỉnh sẽ có 330.000 con lợn, 23.500 con trâu bò trong diện phải tiêm phòng đủ các loại vắc xin. Đàn trâu bò cần phải tiêm vắc vin tụ huyết trùng, lở mồm, long móng; đàn lợn tiêm vắc xin tụ dấu, dịch tả, phó thương hàn, lở mồm, long móng... Trên đàn gia cầm, hiện nay các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên vẫn chưa có vắc xin để tiêm phòng do chủng vi rút gia cầm đã biến đổi nên vắc xin đang sử dụng (RE-5) tiêm phòng không có tác dụng và chỉ tiến hành tiêm phòng ở vùng có nguy cơ cao, trên đàn thủy cầm.
Đồng chính Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Theo thống kê sơ bộ có 109 loại bệnh đối với gia cầm và 30 bệnh đối với lợn (trong đó có 15 bệnh thường xuyên), với trâu bò có các bệnh cơ bản như lở mồm, long móng, tụ huyết trùng... Vắc xin là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong phòng, chống dịch bệnh. Do vậy để triển khai tốt công tác tiêm phòng, ngay từ đầu năm, Chi cục đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng; tiến hành kiện toàn tổ tiêm, tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm phòng cho đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở, nhận và cấp phát vắc xin cho các địa phương kịp thời, đúng thời gian. Đồng thời phối kết hợp với các địa phương triển khai tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đảm bảo kế hoạch, tiến độ. Bên cạnh đó, Chi cục cũng chú trọng công tác tuyên truyền, ngoài việc phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, Chi cục còn thông qua đội ngũ cán bộ thú ý cơ sở và cán bộ xã, phường, thôn, bản, khu phố để tuyên truyền rộng khắp về công tác tiêm phòng, làm cho người dân hiểu rõ vai trò và ý nghĩa to lớn của việc tiêm phòng đối với chăn nuôi và bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, thực tế một số hộ dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về công tác phòng, chống dịch, khi dịch bệnh chưa xảy ra thì người chăn nuôi thường chủ quan, ít quan tâm; cũng có những địa phương không chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng nên tỷ lệ tiêm đạt thấp, nhiều đàn gia súc, gia cầm bị bỏ sót, không tiêm đủ số mũi theo quy định.
Theo tổng hợp của Chi cục Thú y, sau gần 1 tháng triển khai tiêm phòng, toàn tỉnh mới triển khai tiêm phòng được 7.140 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò (đạt 30,4% so với kế hoạch năm), 26.100 liều lở mồm, long móng (đạt 34,3% kế hoạch năm), 89.517 liều vắc xin dịch tả lợn (đạt 27,1% kế hoạch năm)… Do đó, thời gian tới các cấp chính quyền cơ sở cần phải có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, coi tiêm phòng là khâu chính, có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Nguyễn Lựu